Giúp nông dân “bắt bệnh” máy móc

Giúp nông dân “bắt bệnh” máy móc
Những lớp học mà học viên đủ các lứa tuổi từ 30- 60 tuổi ngồi chung một lớp. Đó là lớp dạy nghề cho nông dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện Vũ Thư (Thái Bình) đang triển khai ở các xã.

Lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho nông dân ở Vũ Thư (Thái Bình).

Tại lớp học dạy nghề sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp cho nông dân các xã Tự Tân, Tam Quang, Nguyên Xá, không khí học tập lúc nào cũng rôm rả. Trò thì luôn hỏi về những “căn bệnh” hỏng hóc của máy thường xảy ra và thầy giáo trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật “bắt bệnh” cũng như việc tiến hành sửa chữa từng bước như thế nào. “Thay vì những giáo án cố định với những kiến thức lý thuyết mang tính hàn lâm về cơ khí, máy móc, giáo viên và học viên cùng nghiên cứu và thực hành những điều nông dân cần. Mỗi tiết học là một chuyên đề để mọi người cùng hội thảo và áp dụng ngay vào thực tiễn. Chính cách học “vô tổ chức” (không theo tổ chức trước) như vậy lại rất phù hợp với trình độ nhận thức và được nông dân tiếp thu rất tốt” – ông Vũ Quang Du, giáo viên cơ khí của Trung tâm Dạy nghề Vũ Thư khẳng định.

Ông Bùi Văn Chuyên, một nông dân ở thôn Tân Hòa xã Nguyên Xá chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết mang máy ra đồng để làm thôi, không biết bảo dưỡng sau mỗi vụ nên cái máy gặt, máy cày thường xuyên bị hỏng. Giờ có kiến thức rồi, máy chạy êm ru, ít khi bị hỏng lắm”.

Với nhiều nông dân, việc được học nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp không chỉ giúp cho quá trình khai thác máy đạt được hiệu quả tối đa mà một số nông dân còn trở thành những thợ giỏi mở được cửa hàng chuyên sửa máy nông nghiệp ngay tại địa phương. Đến nay, Vũ Thư đã có hơn 400 nông dân được đào tạo nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, chiếm gần 50% số nông dân có các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện đề án dạy nghề cho nông dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Vũ Thư đang triển khai dạy một số nghề như: Máy may công nghiệp, nghề thêu ren thủ công, nghề chăn nuôi thú y, nghề cơ khí và chế tạo máy. Sau 4 năm triển khai đề án, hơn 2.000 nông dân được học nghề, chiếm 48% lao động nông thôn cần đào tạo.

Theo bà Vũ Thị Hải Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Vũ Thư, định hướng của trung tâm là dạy nghề để nông dân làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động ngay tại chỗ. Riêng với lớp dạy nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp và chăn nuôi thú y, bà Vân khẳng định: “Bà con áp dụng ngay cho trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hay sử dụng các máy nông nghiệp thành thạo. Nhiều người còn chuyển nghề làm đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi, dịch vụ thuốc thú y hoặc cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp ngay tại nhà cũng cho thu nhập khá từ 3 – 5 triệu đồng/tháng.”

Theo Danviet.vn