Giúp nông dân liên kết, hợp tác sản xuất

Hoạt động của nhóm nông dân cùng sở thích là môi trường thuận lợi giúp nông dân có cơ hội hợp tác cùng nhau, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương là nội dung dự án “Tăng cường năng lực nhóm nông dân sở thích dân tộc thiểu số tại tỉnh Nghệ An”.
Toàn cảnh hội nghị
45 đại biểu đại diện cho Ban Quản lý dự án, chủ tịch Hội ND các huyện và cơ sở có dự án; nhóm trưởng nhóm nông dân tiêu biểu đã về tham dự Hội nghị tổng kết dự án do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An và Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch- Châu Á (ADDA) tổ chức ngày 1/12, tại thành phố Vinh.

Dự án Tăng cường năng lực nhóm nông dân sở thích dân tộc thiểu số tại tỉnh Nghệ An được thực hiện trên địa bàn 3 huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn với tổng số 110 nhóm nông dân tham gia dự án. Các nhóm nông dân này được thành lập từ dự án Phát triển cộng đồng, đã có kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án do ADDA tổ chức.

Với mục tiêu hỗ trợ các nhóm nông dân trở thành các tổ hợp tác, Hội Nông dân tỉnh và Ban Quản lý dự án đã hỗ trợ các nhóm thực hiện các kỹ thuật sản xuất cao; phân tích thị trường và hướng hoạt động sản xuất của họ theo nhu cầu thị trường và bán sản phẩm ra thị trường. Trong đó có 67 tổ hợp tác chăn nuôi lợn, 10 tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò, 17 tổ hợp tác chăn nuôi gà, 1 tổ hợp tác chăn nuôi hươu, 6 tổ trồng mía, 6 tổ trồng ngô và 3 tổ hợp tác trồng rau. Tiêu biểu là tổ hợp tác trồng bí xanh ở xóm Hải Lộc, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn với quy mô 2 ha cho thu nhập 200 triệu đồng/ ha/vụ.

Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ cho 12 nhóm điểm mua máy móc, con giống, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác phát triển; hỗ trợ 53 nhóm xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng và bảo dưỡng một số một số công trình cộng đồng. Bình quân mỗi xã thụ hưởng dự án được hỗ trợ từ 1-2 công trình; một số xã như Nghĩa Lộc, Nghĩa Trung, Nghĩa Hội, thị trấn Nghĩa Đàn (huyện Nghĩa Đàn), Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) được hỗ trợ 3 công trình.

Sau khi chia sẻ một số kinh nghiệm của nông dân Đan Mạch, phân tích một số tình hình và thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, ông Ove Gejl Christensen- Phó Chủ tịch Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch- châu Á nhấn mạnh: Cách duy nhất để nông dân phát triển sản xuất trong cơ chế thị trường là phải kết hợp cùng nhau trong các tổ hợp tác và hợp tác xã. Cần có một đơn vị đầu mối để lãnh đạo các tổ hợp tác và hợp tác xã phát triển đúng hướng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Nhị- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đề nghị các cấp Hội ND và các địa phương cần tiếp tục giúp đỡ mô hình hoạt động của các nhóm nông dân sở thích, quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình cộng đồng không chỉ tại các điểm triển khai dự án mà còn nhân rộng ra các địa phương khác. Trên cơ sở đó tổ chức liên kết hợp tác trong sản xuất và hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để đảm bảo cạnh tranh bền vững, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
 
Theo Hội Nông dân