Giúp nông dân thói quen làm ăn kiểu 4.0

Giúp nông dân thói quen làm ăn kiểu 4.0
Để nông dân biết làm nông nghiệp thông minh theo công nghệ 4.0 nhằm phát triển chuỗi giá trị gia tăng của nông sản, phải giúp họ thoát khỏi thói quen làm ăn "kiểu 0.4", theo các chuyên gia.
Một gian hàng nông sản sạch bên ngoài hội thảo, trong Hội chợ Nông nghiệp quốc tế 2018 ở Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Đó là thông tin được nhấn mạnh tại hội thảo “Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị gia tăng của nông sản chủ lực: nhìn từ thị trường đến sản xuất” tổ chức tại Cần Thơ sáng nay, 5-11, trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp quốc tế 2018.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết dù gạo và trái cây xuất khẩu của nước ta năm nay đã đem lại nhiều tỉ đô la Mỹ nhưng thu nhập của nông dân, nhất là nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn thấp, đời sống vẫn khó khăn và vẫn lệ thuộc thị trường chính là Trung Quốc.

Theo ông Tùng, đó là do thói quen sản xuất của đại đa số nông dân ĐBSCL, vẫn chủ yếu lấy năng suất làm chính, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng thị trường giá trị gia tăng của thế giới nên giá bán thấp.

Ông Tùng dẫn chứng, ĐBSCL có 350.000 ha cây ăn quả, nhưng năm 2017 mới chỉ xuất được 35 triệu đô la xoài, chiếm 1% trong khoảng 2,3 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu cây ăn quả của cả nước, còn các loại trái cây khác như chuối, bưởi, chôm chôm, nhãn, cam… thì không xuất được bao nhiêu mặc dù sản lượng khá cao. Tương tự là gạo, “Nông dân mình làm lúa năng suất cao nhất nhưng lại nghèo khó vì giá bán thấp và năm nay dự kiến 50% gạo xuất khẩu là qua Trung Quốc”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, trước thách thức của nông nghiệp 4.0, đa số bà con nông dân ĐBSCL vẫn làm ăn theo thói quen kiểu 0.4. Đó là không thích hợp tác xã (HTX), không thích áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, không chịu tiếp cận thị trường và không tự tin trong khi đây là 4 yếu tố chính để nông dân biết làm nông nghiệp thông minh theo công nghệ 4.0 nhằm phát triển chuỗi giá trị gia tăng của nông sản.

Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học phải giúp nông dân nhưng trước hết là tự bà con nông dân phải thay đổi thói quen này, ông Tùng nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, ông Rustom A. Mistry, Giám đốc kinh doanh ngành gạo Đông Nam Á - Tổng giám đốc Công ty TNHH Buhler Asia Việt Nam, cho biết gạo Việt Nam có giống tốt nhưng chất lượng không đồng đều trong khi nếu thị trường Trung Quốc giảm ăn gạo Việt Nam thì chuyện gì sẽ xảy ra.

“Ngoài thị trường, sản phẩm gạo chất lượng đồng đều và sạch là rất quan trọng trong tương lai, do vậy phải đổi mới công nghệ từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu”, ông Rustom A. Mistry nói.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holing JSC, nơi đang cùng một số tỉnh ở ĐBSCL giúp nông dân áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, đồng tình với các ý kiến này.

Ông Mỹ cho biết, ở Trà Vinh, Rynan Holing JSC đang cùng nông dân canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả đã giảm được hơn 30% nước tưới, hơn 40 % phân đạm, hơn 50% tiền công, hơn 50% thuốc bảo vệ thực vật, hơn 40 khí nhà kính và tăng năng suất 10-20% , tăng doanh thu 100% với mô hình canh tác lúa - vịt.

“Nông dân mình rất thông minh, bà con sẽ làm được khi có hướng dẫn phù hợp. Thông qua các cơ quan chuyên về quản lý nông nghiệp cấp tỉnh, chúng tôi đang cùng hàng trăm ngàn bà con nông dân sử dụng điện thoại thông minh trong quản lý canh tác lúa và hoa màu để cho ra sản phẩm đáp ứng được chuỗi giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập”, ông Mỹ nói.

Theo thesaigontimes.vn