Giúp nông dân tiêu thụ nông sản

Những ngày qua, tình trạng một số loại nông sản được mùa nhưng mất giá và đang bí “đầu ra” đã được nhiều ngành, địa phương và người tiêu dùng tích cực bao tiêu. Chung tay sẻ chia khó khăn với bà con nông dân cũng là thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam"...

Từ đầu vụ đến nay, khu vực Nam Trung Bộ gồm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có diện tích trồng dưa hấu lên tới gần 4. 000 ha, sản lượng đạt hơn 100. 000 tấn. Hiện tại, dưa hấu đã tiêu thụ được khoảng 70-80%, nhưng số còn ứ hàng cũng khá lớn.

Để chia sẻ khó khăn với bà con nông dân khu vực Nam Trung Bộ, hệ thống siêu thị Saigon Co. op tại miền trung đã tiếp cận nông dân, rà soát nguồn hàng và có kế hoạch thu mua dưa hấu trung bình từ 8 đến 10 tấn/ngày. Từ ngày 11-4, lô hàng dưa hấu khoảng 20 tấn đầu tiên từ Đồng Xuân (Phú Yên) đã được Saigon Co. op đưa tới các Co. op mart Tuy Hòa, Cam Ranh, Nha Trang, Huế, Quảng Trị và Hà Tĩnh. Phó Tổng giám đốc Saigon Co. op Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, Saigon Co. op đang đẩy mạnh việc thu mua, vận chuyển, tổ chức chương trình khuyến mãi, tích cực quảng bá và ưu tiên trưng bày dưa hấu quy mô lớn, tại vị trí bắt mắt nhất trong các siêu thị để gia tăng sức mua cho mặt hàng này. Giá thu mua tại vườn cho nông dân của siêu thị cao hơn khoảng từ 500 đồng đến 1. 000 đồng/kg so với thương lái và giá bán ra ở mức từ 3. 000 đồng đến 3.300 đồng/kg. Giá bán này đã được Co. op mart bù lỗ các chi phí nhân công, trưng bày và các chi phí phát sinh khác để hỗ trợ tiêu thụ dưa.

Không chỉ dưa hấu, nhiều mặt hàng nông sản như rau, củ, quả của tỉnh Lâm Đồng đang được mùa nhưng giá bán thấp, tiêu thụ rất khó khăn. Để giúp nông dân giảm bớt khó khăn, Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte Mart) vừa ký kết hợp tác với Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng để tiêu thụ nông sản Đà Lạt. Hai bên đã thống nhất việc xúc tiến thương mại, làm cầu nối giao thương giữa các doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm rau, củ, quả, ngành hàng thực phẩm của Đà Lạt với hệ thống siêu thị Lotte Mart.

Theo đó, các DN sản xuất nông sản tại Lâm Đồng sẽ trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm với Lotte Mart nhằm bảo đảm đầu ra thường xuyên, hiệu quả và quảng bá rộng rãi các mặt hàng nông sản của Đà Lạt đến người tiêu dùng. Giám đốc Trung tâm Thương mại Lotte Mart Việt Nam Hong Uôn Xích cho biết, khi các DN ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty sẽ được hỗ trợ vận chuyển hàng hóa đến từng hệ thống siêu thị bằng trạm trung chuyển tại huyện Đức Trọng. Đồng thời, trong chuỗi cửa hàng, siêu thị của Lotte sẽ dành riêng một khu trưng bày để bán các sản phẩm nông sản của Đà Lạt. Lotte Mart yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm về chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của sản phẩm.

Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng hiện có 5.200 ha đất trồng hành tím, trong đó gần 3. 000 ha đã được thu hoạch nhưng lại không tiêu thụ được. Theo Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu Lê Minh Chí, hành tím của Vĩnh Châu trước đây có đến 70-80% xuất khẩu sang In-đô-nê-xi-a, nhưng hiện nay hàng xuất đi không nhiều do phía đối tác không nhập hàng.

Ông Trần Huỳnh Năm, ngụ tại ấp 1, thị xã Vĩnh Châu kể, sau Tết Nguyên đán, giá hành bán không dưới 27. 000 đồng/kg, sau đó hạ xuống còn 8. 000 đồng/kg và hiện thời, có nơi giá chỉ còn 4.000 đồng/kg. Với giá bán thấp như vậy, người trồng hành tím ở Vĩnh Châu lỗ 3,5 - 4 triệu đồng/ha.

Nhiều nông dân trồng hành cho biết, hành tím Vĩnh Châu trước đây tiêu thụ mạnh là nhờ vào xuất khẩu, khi xuất khẩu gặp khó khăn thì lượng hành tồn ứ không tiêu thụ được. Theo Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, sức mua hành tím ở thị trường trong nước mùa này lại thấp, không đắt hàng như trong dịp Tết, trong khi sản phẩm hành tím Vĩnh Châu đến nay vẫn chưa vào được hệ thống siêu thị.

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, lâu nay, TP Hồ Chí Minh thường làm đầu mối tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân các địa phương rất hiệu quả. Hiện tại, nếu địa phương nào có đặc sản gì, cần tiêu thụ tại thị trường thành phố, Sở Công thương sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

Mấy ngày qua, ghi nhận tại hệ thống Co. op mart khu vực miền trung cho thấy, lượng dưa dấu đã tăng gấp ba lần bình thường, điều này cho thấy người tiêu dùng đã có hành động cảm thông với người nông dân trồng dưa hấu. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, người tiêu dùng cũng đã ưu tiên chọn mua dưa hấu thay cho các loại hoa quả khác. Tại Siêu thị Big C Tân Phú (quận Tân Phú), chị Nguyễn Thị Hoa, giáo viên ngụ đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú, đã chọn mua ba trái dưa hấu lớn. “Đọc báo, xem ti-vi thấy nông dân miền trung trồng dưa bị lũ lụt cho nên mình mua dưa như một sự sẻ chia với bà con”, chị Hoa cho hay.

Trong khi chờ những giải pháp, chính sách thật căn cơ trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hiện tại, nhiều ngành, nhiều DN đã có kế hoạch hỗ trợ nông dân bao tiêu nông sản. Thời điểm này, để giúp người nông dân một cách thiết thực nhất, rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng.

Theo nhandan.org.vn