Gỡ khó cho kinh tế trang trại
- Thứ năm - 20/07/2017 23:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình trang trại rau sạch đang ngày càng được nhân rộng tại các địa phương. Ảnh: TTXVN
Trang trại là mũi nhọn trong xây dựng nông thôn mới
"Kinh tế trang trại cần theo hướng hợp tác sản xuất để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn". Đây là vấn đề trọng tâm được bàn luận tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề: “Giải pháp phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững” vừa được tổ chức tại Hưng Yên.
Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên phối hợp tổ chức.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước hiện có hơn 29.000 trang trại, được phân bố đều khắp các vùng sinh thái và đang tăng nhanh về số lượng, với nhiều thành phần kinh tế tham gia.
Tiêu biểu như thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.230 trang trại, doanh thu hơn hàng nghìn tỷ đồng đồng/năm.
Tỉnh Quảng Bình có 690 trang trại, doanh thu mỗi năm hơn 600 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên có 865 mô hình, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt hơn 2.100 tỷ đồng/năm; tại Bắc Giang, với gần 800 mô hình trang trại, giá trị sản xuất đạt 1.540 tỷ đồng.
Kinh tế trang trại đang phát huy lợi thế mang lại hiệu quả cao, mỗi trang trại cho thu bình quân từ 1 - 3 tỷ đồng/năm, nhiều mô hình thu từ 5 - 10 tỷ đồng/năm.
Điển hình như mô hình nuôi gà giống của ông Nguyễn Văn Ái, xã Hòa Tiến (Yên Phong - Bắc Ninh) thu 9 tỷ đồng/năm; mô hình trồng chuối của ông Phạm Năng Thành, xã Đại Tập (Khoái Châu - Hưng Yên) thu hơn 5 tỷ đồng/năm; trang trại nuôi cá của ông Trương Văn Trị ở xã Nam Cường (Tiền Hải - Thái Bình) thu 10 tỷ đồng/năm...
Qua đó cho thấy, kinh tế trang trại là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình này đang gặp khá nhiều khó khăn.
"Giấy chứng nhận trang trại chỉ để cho... đẹp!"
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên. Theo ông Doanh, rào cản lớn nhất của các trang trại hiện nay là khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi nên phần lớn các trang trại thiếu vốn để mở rộng sản xuất.
Nhiều người chưa quan tâm đến việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, do tấm giấy này chưa mang lại những thuận lợi cho việc phát triển, chưa có giá trị trong việc tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.
Theo tiến sỹ Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, việc nhân rộng các mô hình trang trại chưa phát huy được tiềm năng và thế mạnh như đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, thông tin thị trường, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm quá chậm, làm nhiều chủ trang trại có năng lực về tài chính cũng chưa dám đầu tư lớn.
Cũng theo ông Lượng, việc hỗ trợ đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến đầu tư và thương mại cho trang trại còn rất ít được quan tâm; các trang trại chưa nhận thức được ảnh hưởng trực tiếp của quá trình hội nhập quốc tế đến sản xuất kinh doanh để phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh; khả năng liên kết giữa các trang trại theo ngành và khu vực còn hạn chế; sự hợp tác giữa các trang trại với doanh nghiệp, hợp tác xã chưa chặt chẽ nên chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, tập trung.
Để tháo gỡ nút thắt cho kinh tế trang trại cần có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Tiến sỹ Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, dù giá trị hàng hóa bình quân một trang trại tương đối lớn (mức 2 tỷ đồng) nhưng chỉ tập trung ở các mô hình chăn nuôi, thủy sản.
Còn các trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, tổng hợp... giá trị sản xuất thấp, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô nên sức cạnh tranh chưa hấp dẫn.
Số trang trại ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; vẫn thiếu những chính sách, giải pháp đột phá, chưa được quy hoạch phát triển cho từng địa phương, vốn đầu tư còn hạn hẹp; công nghệ chế biến chưa gắn với vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm chưa đủ điều kiện để hình thành các thương hiệu mạnh.
Tháo gỡ các nút thắt
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Cả trước mắt và lâu dài, kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại vẫn là đơn vị sản xuất cơ bản của nông nghiệp nước ta và là hai loại hình tổ chức sản xuất phổ biến trên thế giới.
Vì vậy, để tháo gỡ nút thắt cần có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và năng lực làm chủ sản xuất kinh doanh, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ.
Ông Nguyễn Xuân Vững, Phó chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Ninh đề xuất, cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm cho các chủ trang trại, gia trại theo tiêu chí mới.
Cho phép các chủ trang trại, các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã được xây dựng nhà ở kiên cố và các công trình phụ trợ chứa vật tư, để các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất.
Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các trang trại vay vốn mua sắm máy móc thiết bị, vật tư với thủ tục đơn giản, tránh rườm rà; giải ngân kịp thời theo nhu cầu sản xuất hoặc tiến độ đầu tư.
Giải pháp chiến lược được Tiến sỹ Nguyễn Duy Lượng đưa ra là, trước hết cần thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thông qua công tác khuyến nông.
Khuyến khích các chủ trang trại ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất, trao đổi thông tin và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, các cơ sở công nghiệp chế biến, phục vụ sự phát triển của các trang trại.
Mặt khác, cần nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cho chủ trang trại và đào tạo dạy nghề cho lao động.
Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các chủ trang trại để có khối lượng hàng hóa lớn, quy trình sản xuất thống nhất, cũng như liên kết với các hộ nông dân để họ trở thành vệ tinh cung ứng nhiều sản phẩm chất lượng, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế./.