Gỡ khó để sớm triển khai gói 100.000 tỷ đồng
- Thứ năm - 09/03/2017 10:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Làm nông nghiệp rất giàu
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp như hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp nước ta.
Tập đoàn TH đầu tư trồng rau sạch công nghệ cao tại Nghệ An. Ảnh: Thanh Xuân
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, các chính sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là chính sách đất đai. “Chúng ta mong muốn có nhiều khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì đòi hỏi mọi chính sách phải đồng bộ, mà bắt đầu từ việc tháo gỡ nút thắt tích tụ đất đai phải là một cuộc cách mạng cho nông nghiệp” - ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho rằng, một khó khăn lớn nữa để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vốn. “Hiện nay, liên quan tới gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, Bộ NNPTNT đã xây dựng một số kịch bản triển khai. Trong đó, đã tính tới phương án gói tín dụng này sẽ có cơ chế tương tự như gói 30.000 tỷ đồng với bất động sản, NHNN có thể tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại… Song điều này khó thực hiện vì nguồn lực vẫn còn hạn chế” - ông Cường chia sẻ.
Vị tư lệnh của ngành nông nghiệp cũng cho biết thêm, trước khi Thủ tướng yêu cầu mở rộng gói 50.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng thì các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 300 tỷ đồng cho vay các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với lãi suất thông thường. Đây chính là phương án khả thi nhất để triển khai gói tín dụng này.
Nhiều ngân hàng sẵn sàng tham gia
Trước những băn khoăn của ngành nông nghiệp, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, nhiều ngân hàng sẵn sàng tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ, như Ngân hàng Liên Việt đã cam kết dành 10.000 tỷ đồng. Ông Hưng cũng đề nghị Bộ NNPTNT sớm trình Chính phủ hướng dẫn cụ thể về đối tượng tham gia chương trình, tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp, tiêu chí nông nghiệp sạch… để NHNN có cơ sở chỉ đạo các ngân hàng. “Vướng mắc lớn nhất hiện nay là phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, như nhà kính, nhà lưới… làm cơ sở để thực hiện giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn” - ông Hưng nhấn mạnh. Theo ông Hưng, đây chính là điểm nghẽn rất lớn, các doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng không có hướng dẫn thì không thể đăng ký tài sản, không thể thế chấp vay vốn. Do đó, Bộ NNPTNT cần sớm phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ TNMT để tháo gỡ những vướng mắc này. Ông Hưng cũng đề nghị Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cũng cần phối hợp để đánh giá, dự báo cụ thể về thị trường sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao để ngành ngân hàng có hướng triển khai tín dụng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần trong thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao là phải tính toán cung cầu, phân công đầu tư phát triển, không làm ào ạt theo phong trào, giải quyết điểm nghẽn một cách tích cực hơn, tinh thần là xã hội hóa chứ không đầu tư bao cấp. Chính phủ cũng sẽ tập trung xử lý gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.