Gỡ nút thắt cho nông nghiệp

Gỡ nút thắt cho nông nghiệp
Dự kiến, trong tháng 3 này, Chính phủ sẽ xem xét dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013, trong đó có hai phương án về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (hạn điền) và cả hai phương án đều thể hiện sự bứt phá với mong muốn cởi nút thắt cho khu vực nông nghiệp.

Gỡ nút thắt cho nông nghiệp

Mở rộng hạn điền được xem là sẽ đáp ứng nhu cầu tích tụ ruộng đất nhằm phát triển nông nghiệp quy mô lớn.

Vì sao phải cởi nút thắt hạn điền là bởi, hiện trong Luật Đất đai có 2 điểm đang là rào cản cản trở ngành nông nghiệp bứt phá.

Thứ nhất, trong Điều 70 Luật Đất đai 2003 quy định: Mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được nhận chuyển nhượng tối đa 6ha đất nông nghiệp.

Rõ ràng, với diện tích đất như vậy ngành sản xuất nông nghiệp luôn ca điệp khúc muôn thuở: Sản xuất manh mún, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, Luật cũng quy định, giao đất chỉ có thời hạn 20 năm. Điều này cũng khiến nông dân, nhà đầu tư lấn cấn.

20 năm là thời hạn quá ngắn ngủi, mảnh đất được giao 20 năm không phải là đất của nông dân, nên họ không toàn tâm toàn ý đầu tư sản xuất, đặc biệt là giai đoạn cuối của thời hạn giao đất.

Thời hạn giao đất ngắn cũng không khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia lĩnh vực nông nghiệp.

Điều đáng nói là việc thắt chặt tích tụ đất bằng hạn điền trong Luật Đất đai năm 2003 đã không vào cuộc sống.

Thực tế thì thực tế đã có rất nhiều hộ nông dân đang canh tác trên cánh đồng hàng chục thậm chí hàng trăm ha đất.

Diện tích đất có được là do người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất.

Để lách quy định của pháp luật, người mua đất đã nhờ người khác đứng tên. Thực tế này chính quyền địa phương biết rõ nhưng mặc nhiên thừa nhận.

Như vậy nhu cầu tích tụ ruộng đất để canh tác, hình thành những cánh đồng, trang trại lớn để nâng cao năng suất lao động, sử dụng máy móc tiên tiến là có thật nhưng vì pháp luật không thừa nhận nên việc tích tụ ruộng đất phải lách quy định.

Rút cục là Nhà nước cũng không thu được thuế trong khi đó người dân có đất thì luôn phập phồng một nỗi lo: Lo trái luật, sợ tranh chấp tài sản thì làm sao ổn định tâm lý, yên tâm đầu tư hạ tầng - khoa học - công nghệ, ổn định sản xuất?

Không yên tâm sản xuất nông nghiệp, nhà đầu tư e ngại không muốn về với tam nông, có lẽ đó là lý do khiến ngành nông nghiệp nước ta dù còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế, thế nhưng tổng vốn đầu tư xã hội dành cho lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn.

Hiện tại, vốn đầu tư cho nông nghiệp mới chỉ ở mức 5,5% trên tổng vốn đầu tư, trong khi lĩnh vực nông nghiệp đang đóng góp tới 18% cho GDP, đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của khu vực này chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 1%.  

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta 30 năm qua kết quả hết sức hạn chế, bởi có những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà khi đầu tư vào ngành này.

Trong đó, là do đặc thù đất đai Việt Nam hiện nhỏ lẻ và manh mún, không thể có diện tích lớn khả năng tích tụ được như dạng cánh đồng mẫu lớn. Rõ ràng quy định quá cứng về đất đai là rào cản với ngành nông nghiệp.

Vì vậy, cần xóa bỏ hạn điền và để việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp được vận hành theo cơ chế thị trường. Thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định việc thu thuế đất nông nghiệp tăng dần theo quy mô tích tụ ruộng đất.

Để bảo vệ quyền lợi người nông dân, Nhà nước nên nhìn rộng ra trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, trong đó cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp đang diễn ra quyết liệt.

Chúng ta cần xây dựng một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh cao hơn, đó là cách duy nhất để đảm bảo quyền lợi cho những người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Trước thực tế này, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình phương án nới rộng hạn điền. Cụ thể, phương án 1 đề xuất nới rộng hơn 10 lần so với quy định của Luật Đất đai 2013 về hạn điền.

Phương án 2, bỏ quy định về hạn điền. Cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên môi trường muốn chọn phương án 2, dù xác định phương án này cũng tồn tại môt số tiêu cực nhất định.

Theo phương án 1, mở rộng hạn điền sẽ đáp ứng được nhu cầu tích tụ ruộng đất nhằm phát triển nông nghiệp với quy mô diện tích lớn.

Nhưng ngay cả khi nới rộng 10 lần so với Luật hiện hành thì về bản chất, vẫn có giới hạn trong tích tụ ruộng đất, vì vậy, vẫn hạn chế nhu cầu tích tụ ruộng đất của hộ gia đình, cá nhân.

Cùng với đó là, tính dự báo về nhu cầu tích tụ ruộng đất của hộ gia đình, cá nhân sẽ không đạt hiệu quả cao do đặc thù và nhu cầu sử dụng đất ở mỗi vùng, miền khác nhau. 

Theo phương án 2 giải quyết được việc bảo đảm cho hộ gia đình, cá nhân có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo nhu cầu và năng lực của mình, không bị giới hạn bởi hạn mức sử dụng đất.

Tuy nhiên, phương án này cũng dẫn đến tình trạng một số đối tượng đầu tư sẽ tích trữ đất đai, làm cho nhiều hộ gia đình, cá nhân không có đất để canh tác.

Cân nhắc tác động tích cực và tiêu cực của cả hai phương án trên, trong dự thảo Tờ trình trình Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất chọn phương án 2, xóa bỏ hạn điền, bởi xóa bỏ hạn điền ở thời điểm này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp đang quan tâm, mong muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, vì đây được xem là một trong những nút thắt lớn nhất đối với đầu tư phát triển nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn hiện nay.  

Tuy nhiên, còn khá nhiều ý kiến trong giới chuyên gia tỏ ra lo ngại về đề xuất mang tính đột phá này. Bởi theo họ, việc xóa bỏ hạn điền trong luật có thể dẫn đến tình trạng tích tụ và sử dụng ruộng đất tràn lan theo hình thức đầu cơ, “phát canh thu tô”, thậm chí là tư nhân hóa đất đai trên thực tế.

Trong khi đó, Hiến pháp 2013  quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.

Nếu muốn xóa bỏ hạn điền, thì trước khi sửa Luật Đất đai, theo quy trình, phải sửa đổi quy định về chế độ sở hữu đất đai trong Hiến pháp, trong khi, đặt vấn đề sửa đổi khi Hiến pháp mới có thời gian thi hành hơn 4 năm có khả thi không? Nông dân không còn đất thì đi đâu về đâu?

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, khi giải bài toán về chính sách tích tụ, tập trung đất đai cần phải xử lý tốt cả 3 phương diện này và có các giải pháp đồng bộ để giải quyết tốt mối quan hệ hữu cơ giữa nông nghiệp - nông dân - nông thôn như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi việc làm, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; xây dựng các cơ chế khuyến khích; các mô hình phù hợp với địa phương như hợp tác xã; liên doanh, liên kết giữa các nông hộ, giữa nông hộ với doanh nghiệp nông nghiệp; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất…Làm được những điều này mới cởi được những nút thắt cho khu vực nông nghiệp.  

 

Tác giả bài viết: Nguyên Mẫn

Nguồn tin: daidoanket.vn