Gỡ “nút thắt” trong bồi thường hải sản tồn kho
- Thứ năm - 27/04/2017 22:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, trong một thời gian khá dài, tiền đền bù vẫn chưa thể về tay bà con. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gỡ khó, “mở đường” để các cơ quan chức năng địa phương có cơ sở để giải quyết vấn đề nan giải này.
Một số cơ sở đông lạnh trên địa bàn huyện Lộc Hà đã quay trở lại hoạt động bình thường (ảnh chụp sáng 25/4).
Theo các quyết định, chỉ đạo trước đây, các cơ sở thu mua tạm trữ phải có đầy đủ hóa đơn theo quy định hoặc đã lập bảng kê theo Mẫu số 01/TNDN nhưng nội dung này về cơ bản không thực hiện được. Nguyên nhân được xác định là do hoạt động thu mua hải sản của các hộ dân được quản lý chủ yếu bằng kinh nghiệm, không có hóa đơn, sổ sách ghi chép hoặc có ghi chép nhưng không rõ ràng, không theo mẫu và biểu chung, không có ký xác nhận của người bán và người mua, trong khi đó, đây là những chứng từ gốc làm căn cứ lập bảng kê 01/TNDN theo quy định.
Đồng thời, để bổ sung bảng kê số 01/TNDN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng không đơn giản bởi không đủ thông tin về người bán do một số chủ tàu ở xa không liên lạc được…
Theo số liệu thống kê, hiện nay, 100% cơ sở tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có báo cáo và khẳng định không có hóa đơn, chứng từ và bảng kê theo biểu mẫu 01/TNDN chứng minh hải sản thu mua.
Trên cơ sở thực tế địa phương, UBND tỉnh đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị đề xuất tại các cuộc họp của Chính phủ và làm việc với bộ, ngành Trung ương. Đến nay, vấn đề này đã được “tháo nút” khi Bộ Tài chính có văn bản số 4839/BTC-NSNN ngày 13/4/2017 hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Một lãnh đạo UBND huyện Lộc Hà (địa phương chiếm 98% hải sản tồn kho của cả tỉnh) chia sẻ: “Nhận được thông tin này, anh em chúng tôi như nhấc được khối đá tảng lâu nay đang gánh trên lưng. Căn cứ vào chỉ đạo, địa phương đã có hướng giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc lâu nay”.
Công văn số 4839 của Bộ Tài chính nêu rõ, trường hợp cơ sở thu mua tạm trữ thuộc đối tượng bồi thường thiệt hại theo quy định nhưng không có hóa đơn mua hàng hoặc không đủ cơ sở để lập bảng kê theo Mẫu số 01/TNDN, giao UBND tỉnh xem xét quyết định giá làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ thiệt hại theo nguyên tắc: Giá hải sản tồn kho bình quân theo từng chủng loại không cao hơn giá mua vào bình quân/tháng của mặt hàng đó (trường hợp không xác định được giá mua vào bình quân/tháng thì xác định giá mua vào bình quân của 5 tháng, từ tháng 4 đến tháng 8/2016 của mặt hàng đó) đã có hóa đơn theo quy định; nếu hải sản tạm trữ không có giá mua vào theo hóa đơn để so sánh, giao UBND tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để quyết định giá cho phù hợp. Mức giá làm cơ sở bồi thường thiệt hại các trường hợp nêu trên phải đảm bảo không vượt quá giá bình quân theo từng chủng loại hải sản mua vào tháng 10/2016.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, ngày 21/4/2017, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2404 về giá để tính tiền bồi thường, hỗ trợ hàng hải sản tồn kho. Do các loại mặt hàng thủy sản không có hóa đơn, chứng từ theo quy định hoặc không đủ cơ sở lập bảng kê theo Mẫu số 01/TNDN nên không đủ điều kiện để chi trả. Mặt khác, kết quả khảo sát, tính toán của ngành thống kê cho thấy, giá thu mua bình quân các mặt hàng thủy sản tồn kho tháng 10/2016 thấp hơn giá thu mua bình quân các tháng từ tháng 5 đến tháng 9 và giá thu mua bình quân 5 tháng nêu trên của năm 2016 nên UBND đồng ý áp dụng giá thu mua thủy sản bình quân tháng 10 năm 2016 trên địa bàn tỉnh (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3831/QĐ UBND ngày 27/12/2016, bổ sung tại Quyết định số 437/QĐ-UBND ngày 9/2/2017) để tính bồi thường, hỗ trợ hàng thủy sản tồn kho do ảnh hưởng của sự cố môi trường.
“Ngay khi có văn bản hướng dẫn, UBND huyện Lộc Hà đã huy động cán bộ có chuyên môn gấp rút triển khai đúng theo Công văn 2404 của UBND tỉnh. Đến nay, qua quá trình kiểm kê, soi chiếu giữa số liệu kê khai (1.826 tấn) và số liệu kiểm kê (2.246 tấn), huyện Lộc Hà đã tiến hành áp giá cho 1.262,253 tấn hải sản lưu kho trước 30/8/2016 với giá trị 25.751 triệu đồng. Sau đó, với các quy trình theo quy định, huyện sẽ tiến hành giải ngân kịp thời cho bà con để phần nào giúp bà con quay vòng tái sản xuất…” - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn cho biết.
Một chủ kho đông ở Thạch Kim (Lộc Hà) dự kiến được đền bù trong đợt này cho biết: “Công việc kinh doanh vẫn phải tiếp diễn, tôi may mắn hơn các cơ sở khác một chút vì có được đồng vốn để quay vòng nhưng vẫn vô cùng khó khăn. Nay khi nhận thông tin được đền bù, mình có tiền mặt để tiếp tục tái sản xuất”.
Đặc biệt, một tin vui vừa đến với các cơ sở đông lạnh khi chiều 24/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và SXKD cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu: Đối với số lượng hải sản lưu kho tại các địa phương chưa được Bộ Y tế kiểm nghiệm và vượt so với báo cáo ngày 8/11/2016, cho phép bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Hiện báo cáo có tăng thêm số lượng hỗ trợ, nếu có thiệt hại thật sự sẽ xem xét, phát hiện kê khai gian dối sẽ xử lý nghiêm.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho phép tiêu hủy và bồi thường 100% giá trị lô hàng đối với sản phẩm sứa, hải sản khô, tẩm ướp, không dùng làm thực phẩm cho người, hiện đang lưu kho tại các xã, phường ven biển, cửa sông.
Đến thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh có gần 1.500 tấn hải sản tồn kho đủ điều kiện để thẩm định thiệt hại (ước kinh phí bồi thường hơn 29 tỷ đồng); số đối tượng chưa đủ điều kiện thẩm định thiệt hại gần 2.560 tấn (ước tính nếu được bồi thường, hỗ trợ gần 83 tỷ đồng). |
An Nhiên/ Báo Hà Tĩnh