Góp gần 20% GDP, nông nghiệp chỉ thu hút được 1% doanh nghiệp

Góp gần 20% GDP, nông nghiệp chỉ thu hút được 1% doanh nghiệp
Báo cáo về Phát triển doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp vừa công bố cho thấy bức tranh buồn này.

Báo cáo Thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2014 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp” cho thấy bức tranh buồn khi lĩnh vực này đóng góp tới 18,12% GDP cả nước năm 2014, nhưng chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp hoạt động.

Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn mờ nhạt

Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, trong mấy năm nay, dù tình hình kinh tế rất khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng, là trụ đỡ cho nền kinh tế trong cơ hoạn nạn. Còn trong thực tiễn định hướng xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng khẳng định vị trí nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí tốp đầu trong sự nghiệp phát triển đất nước.


Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hiện còn thiếu tính bền vững (Ảnh minh họa: KT)

 

Không những thế, định hướng phát triển nền nông nghiệp của Việt Nam là xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu... Trong đó, tập trung kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, tăng khả năng cạnh tranh.

Do đó, vai trò của doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, “việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hiện còn mờ nhạt, thiếu tính bền vững”- ông Hùng đánh giá.

Trong bối cảnh đó, khảo sát của VCCI cho thấy, với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông, lâm, thủy sản, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã khẳng định vị trí trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, cá tra, tôm, cá ba sa... Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng do tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chất lượng chưa cao, năng suất thấp. Nguyên nhân quan trọng là do thiếu vắng doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt phát triển trong lĩnh vực này.

Đáng buồn hơn, dù có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng mới chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp ở Việt Nam tham gia đầu tư. Tính trong giai đoạn 2017-2013, tỷ trọng doanh nghiệp trong nông, lâm, thủy sản giảm từ 1,6% xuống còn 1%.

Theo TS Lương Minh Huân (VCCI), “quy mô doanh nghiệp càng nhỏ thì tỷ lệ thua lỗ càng cao. Khi quy mô nhỏ thì khả năng tham gia chuỗi cung ứng càng hạn chế. Ngoài nguyên nhân về công nghệ, quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ cũng là một điểm yếu của nền nông nghiệp nước ta”.

Quả vải thiều Việt Nam mất gần 10 năm để vào thị trường Mỹ

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, lưu ý rằng, nói doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp, nhưng trong đó doanh nghiệp chủ yếu làm dịch vụ. Trong khi đó, chúng ta cần hơn là nhìn chuyện kinh doanh của doanh nghiệp theo một chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, trong đó có sự tham gia của nhiều thành phần, gồm cả hộ gia đình, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhà phân phối lớn, nhà bán lẻ...

Khi nói đến phát triển nông nghiệp, đơn cử như ngành thủy sản, bà Hằng cho biết: Khi nền kinh tế nước ta có những biến động, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng ngành thủy sản là một trong những ngành khá ổn định từ 2007 đến nay.  

Nhưng ở Việt Nam sự liên kết giữa các doanh nghiệp có đặc thù là phân mảng giữa các khâu, làm cho giá trị thu lại không cao. Ngành chăn nuôi là một ví dụ về việc bị phân mảng trong chuỗi cung ứng. Đơn cử, vùng Đông Nam bộ có nhiều doanh nghiệp chế biến, nhưng khai thác và nuôi trồng cung cấp nguyên liệu lại ở vùng ĐBSCL hoặc ở vùng khác. Hay vùng trung du miền núi phía Bắc chăn nuôi lớn nhưng ít doanh nghiệp chế biến.

Nhớ lại câu chuyện thực từ cách đây 10 năm (từ năm 2005) khi tham gia xây dựng thương hiệu cho quả vải thiều ở Thanh Hà (Hải Dương), bà Hằng cho biết, mãi sau 10 năm quả vải thiều này mới được chính thức cấp phép cho nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Qua đó cho thấy, quá trình để một sản phầm nông nghiệp của Việt Nam đi ra thị trường toàn cầu, tưởng dễ mà không dễ. Chứng tỏ, “chúng ta thiếu kiến thức, có nhiều quy định mà chúng ta lơ là, không để ý và không đáp ứng được yêu cầu nên đưa sản phẩm của mình vào thị trường của họ rất khó khăn”.

Bên cạnh đó, bà Hằng cho biết, qua khảo sát cho thấy, ở Việt Nam chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Có rất ít cụm liên kết chế biến nông sản. Nó còn những vấn đề liên quan đến phương tiện vận chuyển, trung tâm kiểm định sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Vấn đề của ngành nông nghiệp là ở con số 1%

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, phát triển theo chuỗi sẽ đảm bảo thành công của doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lộc, vấn đề của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là ở con số 1%.

Do vậy, theo ông Lộc, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần cải cách về thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, tạo đột phá giai đoạn 2 cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, phải lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, chứ không phải là các hộ gia đình. Làm sao để không còn là con số 1% nữa mà phải là 10-20% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Còn ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, “ngoài các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước và một vài doanh nghiệp FDI thì còn lại đa số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Chúng ta mong muốn nâng cao giá trị cho sản phẩm, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hơn hết cần vai trò của doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp trong nước mà kêu gọi, khuyến khích cả doanh nghiệp nước ngoài vào chơi sân chơi chung để phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này”.

Do đó, “việc cần làm là Nhà nước phải xây dựng cơ chế để doanh nghiệp thấy đầu tư vào nông nghiệp có lợi nhuận và cả nông dân cũng được lợi khi tham gia cùng doanh nghiệp”-ông Tuấn nhấn mạnh./.

Theo VOV.VN