HLV và Sinh vật cảnh huyện Thanh Thủy: Trồng, kinh doanh phong lan gắn với phát triển du lịch

HLV và Sinh vật cảnh huyện Thanh Thủy: Trồng, kinh doanh phong lan gắn với phát triển du lịch
Khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào trồng phong lan ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) phát triển khá mạnh, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều gia đình.

Khách tham quan nhà vườn phong lan Phương Lợi ở xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy), nơi có nhiều loài phong lan đẹp, có giá trị kinh tế cao.

Từ vài hộ trồng phong lan với mục đích chơi, làm đẹp là chính, đến nay, toàn huyện Thanh Thủy có trên 20 nhà vườn trồng và kinh doanh hàng trăm loài phong lan khác nhau. Hộ nhiều thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm như nhà vườn Phương Lợi ở xã Bảo Yên; vài chục triệu đồng/năm như gia đình ông Nguyễn Quang Sửu ở xã Tân Phương, gia đình ông Nguyễn Văn Năng xã Hoàng Xá... Kinh doanh phong lan đã được nhiều hộ gia đình coi là nguồn thu nhập chính.

Ông Nguyễn Kim Lợi, chủ nhà vườn Phương Lợi, cho biết: Năm 2001, tôi được một người bạn tặng vài dò lan và trở nên mê lan từ đó. Đến nay, tôi có 2 nhà vườn chuyên về lan, một vườn ở huyện Ba Vì (TP.Hà Nội) và một vườn ở xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy). Hiện tôi có trên 100 loài phong lan khác nhau, trong đó có nhiều loài được thị trường ưa chuộng như quế lan hương, đuôi cáo, đuôi chồn, phi điệp, đai trâu…. Mỗi năm 2 vườn lan này cho thu nhập trên 400 triệu đồng, có thể nói toàn bộ cơ ngơi của tôi được như thế này đều từ phong lan mà có.

Huyện Thanh Thủy  xác định, một trong những chương trình trọng điểm để phát triển kinh tế là phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái với những điều kiện như suối nước nóng, khu du lịch đảo Ngọc Xanh; tượng đài chiến thắng Tu Vũ... Đây là tiền đề để người kinh doanh phong lan có cơ hội quảng bá nhà vườn và sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Huy Toàn, Chủ tịch Hội Làm vườn và Sinh vật cảnh huyện Thanh Thủy, cho biết: Để phong trào trồng và kinh doanh phong lan phát triển, đóng góp vào xu thế phát triển du lịch của huyện, những người chơi, kinh doanh phong lan trên địa bàn đã đề nghị huyện cho thành lập Liên hiệp các chi hội phong lan huyện Thanh Thủy để cùng nhau học tập, trao đổi kinh nghiệm chọn lựa giống, loài; chăm sóc; kinh doanh phong lan hiệu quả. Sau khi được phép thành lập liên hiệp, chúng tôi rất mong được huyện hỗ trợ cho thuê mặt bằng để xây dựng cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho du khách thăm, tìm hiểu và mua hoa.

Phong lan là loài hoa cao cấp, có giá trị kinh tế cao, đang được nhiều người  ưa chuộng, đặc biệt là khi Tết đến, xuân về. Những người yêu hoa lan thường không ngại ngần bỏ công, bỏ sức, tiền bạc, thời gian đi xa hàng trăm cây số để thưởng thức, mua bán khi nghe tin có dò hoa đẹp ở nơi nào đó. Việc thành lập Liên hiệp các chi hội phong lan huyện Thanh Thủy và đầu tư xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm ngoài việc giúp người trồng phong lan phát triển kinh tế gia đình còn giúp cho địa phương phát triển thêm các dịch vụ khác đi kèm như ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi…

Một số người chơi phong lan ở huyện Thanh Thủy cho hay: Hiện nay, một số người thích phong lan chưa hiểu rõ, cho rằng chơi hoa phong lan cần có nguồn vốn lớn nhưng trên thực tế không phải như vậy. Từ gốc phong lan có giá từ 200.000 - 300.000 đồng, nếu chăm sóc, tạo dáng tốt có thể bán đến cả chục triệu đồng nên bất cứ ai cũng có thể mua và chơi phong lan được.

Khó khăn lớn nhất đối với người trồng, kinh doanh phong lan ở huyện Thanh Thủy hiện nay là việc tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, bởi hầu như các nhà vườn chỉ trao đổi kinh nghiệm của bản thân nên nhiều khi không phát hiện các loại sâu bệnh kịp thời, dẫn đến thiệt hại không nhỏ. Một khó khăn nữa là việc tìm thị trường đầu ra ổn định, lâu dài, bên cạnh nguồn du khách đến thăm thú, nghỉ dưỡng, để người kinh doanh hoa phong lan yên tâm đầu tư, phát triển nhà vườn.

Thời gian tới, Hội Làm vườn và Sinh vật cảnh huyện Thanh Thủy sẽ tăng cường tập hợp, kết nạp người chơi hoa phong lan, kinh doanh hoa phong lan trên địa bàn huyện và các huyện lân cận để liên kết, xây dựng các chuỗi nhà vườn phong lan, phát triển theo mục đích mà Hội đề ra.

 
Theo Kinh tế nông thôn