HTX Nông nghiệp: Cần động lực từ chính sách

HTX Nông nghiệp: Cần động lực từ chính sách
Nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã tự vươn lên trong sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhưng khi phát triển quy mô lớn thì lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, áp dụng công nghệ và xây dựng thiết chế hành chính.

 

 

Nhiều HTX trên địa bàn Hà Nội đang trên đà làm ăn tấn tới. VGP/Tiến Dũng

Câu chuyện về HTX Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội là một điển hình. Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX này cho biết, HTX trên đà làm ăn tấn tới, các xã viên đã mạnh dạn quyết định tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên, khi mang trang trại đi thế chấp vay tiền đầu tư sản xuất thì ngân hàng không đồng ý vì lý do trang trại không có sổ đỏ mang tên người dân. Ông Chiến bức xức: “Chúng tôi có mang đất đai cầm cố chơi cờ, chơi bạc đâu. Chúng tôi làm ăn, mang tư liệu sản xuất đi thế chấp để quay vòng sản xuất mà cũng không được”.

Không thể “thả nổi” HTX

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy số lượng các tổ hợp tác trong nông nghiệp mỗi năm tăng trung bình 3,3%.

Sau khi Luật HTX năm 2012 ra đời, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực hướng dẫn, triển khai phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng HTX thành lập mới tăng bình quân khoảng 200 HTX/năm. Đến nay, cả nước hiện có 10.339 HTX nông nghiệp với khoảng 6,7 triệu xã viên và gần 800 HTX lâm nghiệp, thuỷ sản, diêm nghiệp.

Tuy có xu hướng tăng về số lượng nhưng chất lượng của các HTX này lại không hề “nhích lên”.

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), các tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân, quy mô nhỏ và ít có hoạt động kinh doanh nên hiệu quả không cao. Còn đối với các HTX, phần lớn chưa thực sự phát huy được vai trò trong nền kinh tế và đối với các xã viên.

Một trong những lý do chính dẫn đến những hạn chế này chính là trình độ của các cán bộ quản lý của HTX. Bộ NNPTNT cũng đưa ra con số thống kê: số chủ nhiệm HTX có trình độ đại học mới chiếm tỉ lệ 12%, còn lại chủ yếu là cấp 1, cấp 2.

Mới đây, trong hội nghị đánh giá tình hình đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác nông nghiệp được tổ chức tại Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhấn mạnh: “Tổ chức lại sản xuất, nhất là đổi mới hoạt động của các HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Hiện nay, cùng với sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT, các địa phương đang tích cực vào cuộc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các HTX nông nghiệp có vai trò rất quan trọng. Đây cũng là tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, bản chất của HTX là tổ chức giúp cho người nông dân sản xuất đạt chuẩn từ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả  kinh tế. Do đó, không nên quá nặng nề về trình tự, tổ chức ra HTX bởi sẽ dẫn tới tình trạng "bình mới, rượu cũ".

Ông Cương nhấn mạnh: “Điều cần quan tâm là nội dung hoạt động, đó là "chất" của HTX”.

Chính sách tạo động lực phát triển

Hà Nội hiện có 996 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 10% số HTX nông nghiệp của cả nước. Ông Lê Thiết Cương cho biết, hiện nay, Chi cục đang phối hợp với Liên minh HTX và các ngành liên quan tìm giải pháp hình thành các HTX đúng luật nhưng phải hoạt động hiệu quả, có sự liên kết và chia sẻ lợi ích với người lao động.

Mới đây, trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Đông Bắc 2014, Sở NNPTNT Hà Nội với Sở NNPTNT một số tỉnh, thành phố trong vùng như Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng đã ký kết biên bản hợp tác về xúc tiến thương mại nông nghiệp.

Theo đó, các nội dung hợp tác chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản giữa các tỉnh nhằm phát huy lợi thế của các địa phương. Đồng thời hỗ trợ thủ tục hành chính, cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người nông dân ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, vật tư đầu vào của các tỉnh, thành phố tham gia ký kết.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, theo biên bản hợp tác này, các tỉnh, thành phố sẽ phối hợp trao đổi, chia sẻ trách nhiệm trong việc dự tính, dự báo thông tin, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chủ lực của các địa phương. Trên cơ sở đó xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và kết nối các tác nhân để tăng tính bền vững trong chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời tăng cường phối hợp tuyên truyền, quảng bá các dòng sản phẩm nông nghiệp từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố và ngược lại.

Hà Nội đã ban hành một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND của HĐND TP về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020. Hay Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016...

Chính sách để tạo động lực đã có. Việc vận dụng thực thi chính sách để tạo động lực cho các HTX phát triển chính là tạo cơ hội cho những người nông dân làm chủ tư liệu sản xuất và phát triển kinh tế trên quê hương mình.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ quan điểm của Bộ NNPTNT là phát triển các HTX theo luật nhưng phải bám sát yêu cầu của thực tiễn, tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng lĩnh vực, từng địa phương để lựa chọn mô hình và chính sách hỗ trợ phù hợp chứ không nhất thiết phải theo khuôn mẫu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, HTX phải xuất phát từ nhu cầu thực tế mới tồn tại được. Đặc biệt, không thể tách rời HTX với các thành phần trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Theo thanglong.chinhphu.vn