Hà Nội: Diện mạo Nông thôn mới ở Đông Anh
- Thứ năm - 28/09/2017 11:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ mặt nông thôn của huyện Đông Anh đã có nhiều thay đổi sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, nên các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đông Anh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến thông qua các hội nghị, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt chi bộ, về mục đích, nội dung, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của huyện đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Ngoài công tác tuyên truyền, huyện cũng tập trung phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Trong tháng 6 đầu năm 2017, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của đạt 1.311 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, ngành trồng trọt chiếm 54,9%, chăn nuôi 45,1%. Huyện đã tập trung chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã theo quy hoạch. Năm 2016, chuyển đổi được 125ha, riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã chuyển đổi được 70ha. Theo kế hoạch cả giai đoạn 2016-2020 sẽ chuyển đổi thêm 800ha.
Hiện nay, huyện đang chỉ đạo rà soát lại quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng 23 xã cho phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để thay đổi cơ cấu vụ mùa, tăng vụ, sản xuất trái vụ; ứng dụng rộng rãi chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng và cho các cây trồng khác...
Giếng Mỵ Châu – Cổ Loa.
Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ để khuyến khích sản xuất lúa/rau/quả theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc hóa học cũng như thuốc có nguồn gốc sinh học nhưng có độ độc cao. Huyện đã xây dựng điểm cung cấp thực phẩm an toàn, có xác nhận, tập trung cho sản phẩm rau, thịt gia súc, gia cầm sạch trên địa bàn từng bước thiết lập chuỗi liên kết, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch…
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, việc làm tiếp tục phát triển, các chính sách xã hội, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh nông thôn ổn định, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, các hoạt động văn hóa truyền thống được cải thiện và phát huy, đời sống tinh thần vật chất của người dân được cải thiện và nâng cao hơn. Hiện nay, huyện có 22/23 xã được UBND TP Hà Nội công nhận “Xã đạt chuẩn xây dựng NTM”. Năm 2017 phấn đấu đưa xã còn lại là Dục Tú về đích NTM.
Riêng tiêu chí về giáo dục toàn huyện có 46/88 trường đạt chuẩn, đạt 52%. Năm 2016, huyện đã thực hiện 27 dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa trường học các cấp với kinh phí 58,3 tỷ đồng. Trong năm 2017 sẽ đầu tư cải tạo thêm 5 trường đạt chuẩn, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 51/88 trường. Phấn đấu giai đoạn 2016-2020 có 65/94 trường học các cấp 70% đạt chuẩn.
Ông Lê Quang Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Dương cho biết: Xã đã đạt chuẩn NTM từ năm 2014, hiện nay, số hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 0,9%. Sau khi hoàn thành nhiều tiêu chí về cơ sở hạ tầng xã cũng tập trung đầu tư nhiều mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 5 trang trại được xây dựng theo mô hình VietGap có được doanh thu hàng tỷ đồng một năm. Theo ông, công tác xây dựng NTM từ xã đến nhân dân đều nhận được sự đồng thuận, nhiều hộ đã hiến đất để dành quỹ đất xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Đáng chú ý, những công việc nhiều năm chưa làm được, như nghĩa trang nhân dân xuống cấp, nhà văn hóa, đình chùa xuống cấp… được người dân đồng thuận góp sức xây dựng.
Theo ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh: “ Ngoài những thành công trong xây dựng NTM, hiện nay, việc xây dựng NTM gặp một số khó khăn. Trong đó huyện Đông Anh đang đứng trước một sức ép trong quá trình đô thị hoá, dân cư đông. Với lượng học sinh ngày càng lớn các trường không đáp ứng nhu cầu học tập, việc mở rộng quy mô trường mẫu giáo, tiểu học ở các xã gặp nhiều khó khăn”. Để giải quyết được vấn đề này, vừa qua, huyện đã rà soát tất cả các trường về số lượng học sinh, quy mô lớn học để từ đó báo cáo các ngành có cơ cấu đầu tư. Trong nhiệm kỳ trước huyện đã dành gần 50% nguồn vốn ngân sách của huyện để đầu tư cho giáo dục. Nhưng riêng trong giai đoạn này (từ nay đến năm 2020) huyện đã có kế hoạch phân bổ nguồn vốn xây dựng, mở rộng các trường. Huyện phấn đấu các trường đầu tư mới sẽ đảm bảo đồng bộ, để trường đạt chuẩn ngay từ đầu mang lại hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực giáo dục.
Thời gian tới, ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đô thị, huyện Đông Anh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhất là áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất các cây trồng, vật nuôi chủ lực, cũng như nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao thông qua các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.