Hà Nội: Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư trồng 10ha rau công nghệ cao
- Thứ hai - 08/05/2017 11:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều bất cập, hạn chế
Sau khi đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, dồn điền đổi thửa thành công, nông thôn Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, lạc hậu do việc ứng dụng CNC vào sản xuất còn hạn chế, chưa tạo ra sản phẩm tiêu biểu của Thủ đô.
Trồng hoa ly đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Nông nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm Phát biểu tại hội nghị giao ban quý I.2017 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, các địa phương cần khắc phục hạn chế trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm nay. “Đề nghị các sở, ban, ngành sớm hướng dẫn cụ thể hóa các chính sách khuyến khích, có chính sách ưu đãi đặc thù, nhất là trong việc tích tụ đất đai để thu hút DN, hộ dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng một điểm ứng dụng CNC của thành phố. Các địa phương chủ động tìm hiểu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng mô hình phù hợp theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, nhu cầu của DN để tạo điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp, thuyết phục người dân tham gia” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. |
Cho đến nay, việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa trên địa bàn TP.Hà Nội đã cơ bản hoàn thành, đánh dấu thành công lớn trong công tác quy hoạch, tích tụ đất sản xuất nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân có thể yên tâm cho thuê đất, góp vốn bằng đất để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế 3 tháng qua, mặc dù thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp được mùa, nhưng tình trạng “được mùa, mất giá” lại diễn ra. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do các loại nông sản này chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống, chưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ dẫn đến năng suất, chất lượng chưa cao.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng chia sẻ, để giúp nông dân bớt khó khăn do giá cả nông sản xuống thấp, huyện đã sử dụng khoảng 1/10 ngân sách dự phòng để hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, như giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y... Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế.
Một khó khăn khác khi kêu gọi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề tích tụ đất đai. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đã giao chỉ tiêu đất sản xuất nông nghiệp cho các địa phương, trong đó “chốt cứng” diện tích đất trồng lúa, gây khó khăn cho địa phương trong việc chuyển đổi loại đất này sang trồng các loại cây trồng khác, gắn với đầu tư khoa học công nghệ, để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực tế tại địa phương đã có một số DN tự mua đất của người dân để đầu tư công nghệ cao, mở rộng sản xuất, với giá khoảng 40 triệu đồng/sào và bước đầu có hiệu quả. Nhưng khi người dân nghe ngóng thấy có dự án chuẩn bị lấy đất là lập tức giá đất sẽ bị đẩy lên gấp từ năm đến bảy lần, khiến các DN không thể đầu tư.
Lý giải về hiện trạng trên, PGS-TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng: “Đó là do việc xác định đối tượng đầu tư chưa đúng, công nghệ đầu tư chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam, công tác quản lý, vận hành chưa đồng bộ, chưa cụ thể; chưa gắn kết giữa sản xuất với thị trường; chưa có sự phối hợp giữa 4 nhà một cách chặt chẽ. Đặc biệt chưa huy động được tiềm năng và những thế mạnh của DN tư nhân trong và ngoài nước cùng đầu tư và tổ chức sản xuất”.
Đánh giá về hạn chế này, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới TP.Hà Nội nhận định, sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, lạc hậu. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa được định hình rõ nét, chưa tạo ra sản phẩm tiêu biểu của Thủ đô. Việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân thành phố về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP.Hà Nội giai đoạn 2016-2020 triển khai còn chậm, chưa thu hút được các hộ dân, các DN đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm.
Trải thảm đón doanh nghiệp
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khắc nghiệt cùng với quá trình đô thị hóa nhanh đã khiến cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp và sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường khi hội nhập, việc phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC là hướng đi tất yếu. “Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Để làm được nông nghiệp CNC cần có vai trò của đầu tàu của DN trong việc đầu tư sản xuất, đào tạo, kết nối và dẫn dắt các hộ nông dân đi lên nền sản xuất hiện đại” – ông Mỹ khẳng định.
Theo Sở NNPTNT, định hướng đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Trung tâm Giống thủy sản CNC (xã Trần Phú, Chương Mỹ), 3 DN nông nghiệp ứng dụng CNC được Bộ NNPTNT công nhận… |
Về vấn đề kích thích DN vào đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, ông Nguyễn Đức Thắng - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho hay: “Khó khăn nhất hiện nay là năng suất nông nghiệp còn thấp, hàm lượng chất xám chưa nhiều, đầu tư của cả Nhà nước và tư nhân cho nông nghiệp còn thấp. Bước đầu tín hiệu đáng mừng là trên địa bàn huyện Đan Phượng đã có một số dự án nông nghiệp CNC đang trong quá trình bắt tay vào triển khai như dự án trồng rau CNC 10ha của Tập đoàn Vingroup tại xã Song Phượng, dự án nông nghiệp trồng nấm CNC 1ha…”.
Liên quan tới thu hút DN đầu tư vốn phát triển nông nghiệp CNC, ông Hà Minh Hải – Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng: “Vấn đề cơ chế chính sách được coi là trọng tâm hàng đầu. Trước tiên, các địa phương cần phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển sản xuất để có định hướng bố trí, kêu họi thu hút đầu tư, muốn kêu gọi nhà đầu tư phải giới thiệu được với họ thế mạnh cũng như cơ sở dữ liệu thực tế của địa phương. Mỗi huyện có đặc thù, nhu cầu khác nhau, do đó, các huyện cần giao bộ phận chuyên môn tổng hợp ý kiến của từng nhà đầu tư, người dân để có đề xuất, thành phố và các sở, ngành cùng vào cuộc. Thành phố sẽ đóng vai trò kiến tạo, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các địa phương, xây dựng khung cơ chế, mức thuê, thời gian thuê đất, cơ chế làm việc với dân”.
Về cơ chế tích tụ ruộng đất, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những mô hình hiệu quả nhất hiện nay là người dân góp vốn bằng ruộng đất vào DN, công ty cổ phần hay hợp tác xã và trở thành cổ đông, được hưởng lợi tức từ công ty. Đồng thời, nông dân sẽ tiếp tục được thuê trở thành lao động làm việc cho DN, được trả lương hàng tháng.
Ông Phạm Văn Khương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội cho biết thêm, trước mắt, để tạo quỹ đất sạch cho DN, các địa phương có thể sử dụng đến quỹ đất công đã được quy hoạch.