Hà Nội: Thiết lập các chuỗi nông sản an toàn
- Chủ nhật - 12/06/2016 22:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ký kết hàng loạt hợp đồng sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn ngày 7/6/2016.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết, Hà Nội hiện có 188.000ha đất nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố đạt 45.190 tỷ đồng (giá trị thực tế trong năm 2015), bình quân lợi nhuận ước đạt 233 triệu đồng/ha.
Số lượng chuỗi nông sản còn ít
Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa theo vùng, xã trọng điểm được triển khai ở Hà Nội đang phát huy hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành. Cùng với đó, đã thiết lập được 170ha cây ăn quả VietGAP, trên 80ha chè VietGAP, diện tích rau an toàn giám sát chuẩn VietGAP đạt 352,7ha và trên 40 ha sản xuất rau hữu cơ. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đã hình thành rõ nét các vùng xã chăn nuôi trọng điểm, bao gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm với 3.232 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Hà Nội đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tổng sản lượng các chuỗi đạt hàng nghìn tấn rau, 4,5 nghìn tấn thịt lợn, 3,1 nghìn tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm, 29 nghìn tấn sữa tươi mỗi năm. Nhiều công ty đã liên kết với các địa phương đăng ký được 27 nhãn hiệu tập thể: gạo Bồ Nâu, gạo thơm Bối Khê, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, khoai lang Đồng Thái, nhãn muộn Hoài Đức, bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, bưởi sạch Sóc Sơn, ổi Đông Dư, cam đường Kim An, đặc sản cam Canh, đặc sản Bưởi Diễn, bưởi Phúc Thọ, phật thủ Đắc Sở, dưa lê Đông Xuân, chè Ba Vì, chè Bắc Sơn, chè sen Quảng An, rau hữu cơ Thanh Xuân, rau an toàn Vân Nội, hoa đào Nhật Tân, sữa bò Ba Vì, trứng gà 729, trứng gà sạch Tiên Viên, rượu mơ Hương Tích, chả cá Lã Vọng, bánh chè lam Thạch Xá...
Theo ông Đăng, sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố vẫn còn rất ít. Việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau còn hạn chế, chủ yếu vẫn mạnh ai người đó làm. Một lượng lớn nông sản thực phẩm an toàn vẫn được tiêu thụ qua kênh truyền thống nên giá bán chưa cao và thiếu tính bền vững. Trở ngại chính của việc phát triển các chuỗi nông sản an toàn là do thành phố chưa có cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh để hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp TP Hà Nội, Thủ đô có 425 chợ, 24 trung tâm thương mại,134 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, theo khảo sát hiện nay, phần lớn nông sản do nông dân Thủ đô sản xuất vẫn được thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối, sau đó đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể. Lượng nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm 20%. “Phải khẳng định Hà Nội là thị trường tiêu thụ rất lớn, các tỉnh đều tìm về xin liên kết tiêu thụ thực phẩm sạch, thế mà nông dân và DN ở Hà Nội lại mê mải với xuất khẩu, quên lãng thị trường của mình. Không có lý gì mà nông dân Hà Nội lại không khai thác được thị trường này”, ông Chí bày tỏ.
Nông sản sạch cho lợi nhuận cao
Ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, cho hay, tái cơ cấu nông nghiệp của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, huyện đã thiết lập được vùng trồng gần 2.000ha lúa chất lượng cao, 500ha chuối tiêu hồng, 280ha bưởi Diễn, cùng nhiều mô hình chăn nuôi lợn rừng, lợn sạch, bò BBB… Huyện đã xây dựng thành công thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các nông sản như: rau muống tiến vua Sen Chiểu, rau an toàn Thanh Đa, bưởi Phúc Thọ. Trong năm 2016, Phúc Thọ tiếp tục xây dựng thêm ba thương hiệu khác là rau Vân Phúc, chuối Vân Nam, cà dầm tương Tam Hiệp. Đồng thời, đang thu hút nhiều DN đến đầu tư vào chế biến nông sản.
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết, doanh nghiệp rất thành công trong kinh doanh trứng gia cầm sạch ở miền Nam. Vào tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2,2ha tại Cụm công nghiệp Phúc Thọ, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2017. Công ty sẽ cung cấp con giống, thức ăn cho bà con nông dân, sau đó thu mua và tiêu thụ trứng. Tại hội thảo này, Công ty Ba Huân ký kết hợp đồng xây dựng chuỗi trứng với UBND huyện Phúc Thọ. Theo đó, huyện Phúc Thọ có trách nhiệm rà soát các trang trại chăn nuôi trên địa bàn đáp ứng yêu cầu trang trại và quy trình kỹ thuật chăn nuôi sạch, để tham gia vào chuỗi liên kết do Công ty Ba Huân bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Chủ tịch Hội chăn nuôi lợn sạch xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), chia sẻ, nông dân ở xã Thọ Lộc đã thiết lập mô hình nuôi lợn sạch bằng thức ăn ủ men vi sinh và sử dụng đệm lót sinh học. “Nuôi lợn bằng phương pháp này, tốc độ tăng trọng chậm hơn một chút so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nhưng giảm công chăm sóc và tiền mua thức ăn. Khi lấy mẫu thịt lợn đi kiểm tra, các thông số vệ sinh an toàn thực phẩm đều đạt chất lượng, thịt có mùi vị thơm ngon, nên đầu ra luôn ổn định”, ông Thịnh nói. Đến nay, xã Thọ Lộc đã có 39 trang trại chăn nuôi lợn sạch, mỗi năm xuất chuồng gần 1.200 tấn, đạt giá trị 54 tỷ đồng. Với thành công đó, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ tổ chức ký kết hợp tác xây dựng thí điểm chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ thực phẩm giữa Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Liên Việt với Hội Chăn nuôi lợn sạch xã Thọ Lộc.
Tại hội thảo, các hợp đồng tiêu thụ nông sản theo chuỗi đã được ký kết giữa các DN: Công ty Thực phẩm Minh Dương, Công ty thực phẩm 3F, Công ty thương mại Vinh Anh, Công ty thương mại Lan Vinh, Công ty Ba Huân, Siêu thị Fivimart, Siêu thị Hapro, Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Cleverfood… với các nhóm hội nông sản, các HTX sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn thủ đô.
Chu Khôi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn