Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
- Thứ sáu - 05/01/2018 09:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng. Ảnh: Phương Anh - TTXVN
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2018 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” do Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 5/1, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Điển hình là các chương trình như nông nghiệp công nghệ cao trong phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, sản xuất chè, phát triển chăn nuôi, thủy sản.... Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 2- 2,5%.
Cùng đó, sẽ có thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên thành 6 huyện; tăng thêm 80 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 55%; 85,3% người dân tham gia bảo hiểm y tế; rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 88%; 60,5% thôn (làng) được công nhận và giữ danh hiệu Làng văn hóa; thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 41 triệu/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 62%; giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn mới đạt 2,11%.
Để đạt được kết quả này, năm 2018 Hà Nội cần ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và hình thành các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sao cho tương xứng với tiềm năng và vị thế của Thủ đô.
Đặc biệt, các quận, huyện cần chủ động thu hút nguồn lực xã hội ở tại địa phương, nhất là huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn cùng tham gia đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới. Hiện nguồn lực xây dựng nông thôn mới chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp Thủ đô đã đạt được một số kết quả khả quan. Tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2017 ước đạt 35.133 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 2,33% so với năm 2016.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 44,40%, chăn nuôi, thủy sản 52,56%; dịch vụ 3,04%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đạt 25%.
Các huyện và các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều quan tâm chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020. Các tiêu chí liên quan tới đời sống văn hóa tinh thần được nhiều địa phương quan tâm.
Các tổ chức chính trị cơ sở cũng vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh’’. Nhiều địa phương đã phát động phong trào thực hiện "đường có hoa, nhà có số, phố có tên: rất tốt như huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thanh Oai...
Nhờ vậy, đời sống nông dân cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh từ 3,65% năm 2016 xuống còn 2,57% năm 2017. Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là: Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1%, Thanh Trì 1,41%, Đông Anh 1,57%.../.