Hà Nội sau 10 năm mở rộng: Hé lộ tầm nhìn một đại đô thị
- Chủ nhật - 29/07/2018 11:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mở rộng không gian kinh tế
Trong những ngày cuối tháng 7, Hà Nội đang tưng bừng trong không khí “Kỷ niệm 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính” với nhiều hoạt động diễn ra khắp thủ đô. Đây là sự kiện lớn đánh dấu 10 năm thực hiện quyết định lịch sử, Hà Nội chính thức được mở rộng cả không gian địa lý lẫn không gian kinh tế - văn hóa.
10 năm trước, tháng 5/2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 đã thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội với tỷ lệ đồng thuận gần 93%. Lựa chọn phương án Hà Nội sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
Ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.350 km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 7,7 triệu người.
Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm và nhiều chỉ tiêu tăng từ 2 - 3 lần như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người tăng 2,3 lần, thu nhập bình quân đầu người của nông dân tăng 2,92 lần, thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần.
Cũng trong 10 năm qua, nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín. Hàng loạt dự án giao thông lớn nhỏ được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt trên cao Hà Nội Metro. Chỉ tính riêng 8 tuyến đường bộ lớn với tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 2 tỷ USD, tương đương 70% thu ngân sách của Hà Nội trong năm 2007.
Không thể phủ nhận, đề án mở rộng địa giới hành chính của thành phố Hà Nội đã giúp cải thiện hạ tầng xây dựng nông thôn cũng như cải thiện đời sống người dân ở những xã nghèo nhất ở cực Tây thành phố theo mặt bằng thủ đô.
Với những kết quả này, theo ông Tuấn, Hà Nội đang khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng với kinh tế cả nước.
Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới nay đã có diện mạo mới, mạnh mẽ và trở thành một thể thống nhất |
Tạo sự phát triển đồng bộ
10 năm đã qua kể từ ngày sáp nhập, cùng với các thành tựu về kinh tế - xã hội, đầu tư, Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Thẳng thắn nhìn nhận lại, ông Nguyễn Văn Phong, trưởng ban tuyên giáo Thành Ủy Hà Nội cho rằng, địa giới hành chính đã được mở rộng nhưng việc giãn dân, giảm mật độ dân số nội đô còn chậm; tiến độ triển khai các khu đô thị vệ tinh chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng giữa khu vực nội đô với khu vực ngoại thành chưa đồng bộ.
Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính của Thành Ủy Hà Nội, quản lý quy hoạch, đất đai, của thành phố trong các năm qua còn yếu kém, chưa thu hút được dân cư ra khỏi vùng lõi đô thị.
“Nhiều công trình trọng điểm như đường sắt đô thị, đường vành đai, trục hướng tâm còn chậm chễ triển khai gây lãng phí, thất thoát. Việc cải tạo, nâng cấp các khu chung cư cũ trong nội thành chưa đáp ứng tiến độ và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh không phù hợp quy hoạch ra ngoài khu vực nội đô tiến độ còn chậm...,Báo cáo cho biết.
Xoay quanh các về vấn đề giãn dân nội đô ra khu vực ngoại thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thành phố đang tập trung nhiều giải pháp để trong thời gian tới vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị của thành phố sẽ hiệu quả hơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, muốn giãn dân ra khỏi nội đô, trước mắt phải quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết các vấn đề bức xúc của dân như nước sạch, xử lý rác thải… Đây là các vấn đề mà Hà Nội đã và đang tập trung triển khai.
Tới đây, Hà Nội sẽ đưa 3 nhà máy nước sạch mới với công suất lớn vào vận hành để tăng thêm nguồn cung cấp nước sạch không chỉ ở khu vực nội thành mà hướng tới 100% dân ngoại thành cũng được dùng nước sạch vào năm 2020. Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các chủ trương giãn các bệnh viện, trường đại học ra ngoại thành và trụ sở cơ quan làm việc của các bộ, ngành ra khỏi trung tâm thành phố.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng các đường vành đai, trục hướng tâm. Trong đó, có QL6, đường 21 đi Sơn Tây sẽ được mở rộng; trục Hoàng Quốc Việt kéo dài lên Bắc Từ Liêm, Đan Phượng; trục hướng tâm qua cầu Tứ Liên nối lên Đông Anh... Các dự án này sẽ tạo sự kết nối giữa khu vực trung tâm với ngoại thành, vị lãnh đạo UBND. TP cho hay.
Theo Báo Đầu tư