Hà Tĩnh: Đón Bằng công nhận “Mộc bản Trường học Phúc Giang”, di sản của thế giới
- Chủ nhật - 25/09/2016 06:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sáng 25/9, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận “Mộc bản trường học Phúc Giang” được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Bà Su san Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Bằng công nhận" Mộc bản Trường học Phúc Giang" di sản sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh.
Tham dự buổi lễ trao Bằng công nhận “Mộc bản Trường học Phúc Giang” có ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BCH TW Đảng- Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức TW Đảng; bà Su san Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; ông Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ, Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam; ông Nông Quốc Chấn đại diện Bộ VH,TT&D; ông Lê Đình Sơn Ủy viên BCH TW Đảng - Bí thư Tỉnh Ủy Hà Tĩnh; ông Đặng Quốc Khánh Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện nhiều cơ quan trung ương, địa phương và con cháu dòng họ Nguyễn Huy xã Trường Lưu huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang làm việc và sinh sống khắp nơi trên thế giới. |
Niềm tự hào của đất học Hà Tĩnh
Mộc bản trường học Phúc Giang (còn gọi là Mộc bản Trường Lưu) là một trong hai di sản của Việt Nam được công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (MOWCAP) tổ chức tại Thành phố Huế ngày 18/ 5/2016. Đây là mộc bản bộ ván trị khắc dùng để in sách “giáo khoa” phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại Trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc, nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Mộc bản trường học Phúc Giang là các tác phẩm có chọn lọc được các tác gia họ Nguyễn Huy biên soạn, viết chữ và tổ chức khắc in. Hình thức khắc tinh xảo, phong phú, chữ viết đẹp trên chất liệu gỗ thị đực, lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy, dấu khẳng định bản quyền của 5 nhà giáo, nhà văn, nhà thơ trong một gia đình ba thế hệ của dòng họ Nguyễn Huy ở thế kỷ XVIII, chứa nhiều thông tin về lịch sử; chính trị-xã hội, tư tưởng-văn hóa; bang giao, tiếp thu và phát triển đạo Khổng. Là di sản tư liệu thể hiện sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của Nho giáo đối với đất nước trong việc đào tạo nhân tài. Mỗi mộc bản như là một cổ vật quý hiếm, tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Chính Trường học Phúc Giang đã góp phần đào tạo trên 30 Tiến sĩ và nhiều Hương cống, Cử nhân. Nhiều người trong số họ về sau là các nhà chính trị, hoạt động xã hội xuất sắc, các nhà văn hóa, nhà giáo nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của đất nước.
Mộc bản Trường học Phúc Giang và các tài liệu liên quan được, giới thiệu, trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Hà Tĩnh
Toàn bộ Mộc bản Trường học Phúc Giang được lưu giữ, bảo quản tại tư gia họ Nguyễn Huy- huyện Can Lộc, là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam. Di sản bao gồm: 383 bản, được khắc chữ Hán ngược để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 11 quyển) được “toản yếu” của Nho giáo và 01 quyển sách quy chế trường học: Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toàn và Thư viện quy lệ. Phần lớn các mộc bản khắc 2 mặt, một số ít khắc một mặt là tên sách, tờ đầu, lời tựa, tự, bạt, được trình bày chính giữa là tên sách, trang, tập, quyển; mỗi bản để lề trên 1-1,2 cm, dưới 1-1,2 cm, lề phải 1 cm và lề trái 1 cm.
Mộc bản trường học Phúc Giang đạt 2 tiêu chí rất cơ bản của tổ chức UNESCO là tính xác thực và ý nghĩa quốc tế bởi: Sau khi mở trường dạy học, Nguyễn Huy Oánh đã xây dựng thư viện, thu thập sách vở và in sách. Tài liệu giáo khoa do ông và cha ông biên soạn dùng để giảng dạy, được ông hiệu đính, các bài Tựa, Bạt nêu rõ mục đích biên soạn và khắc in. Tính xác thực của Mộc bản Trường học Phúc Giang thể hiện qua các bài mở đầu, kết thúc của mỗi tập sách. Mộc bản chứa tư liệu phục vụ cho giáo dục và hoạt động văn hóa; mộc bản Trường học Phúc Giang là tập tư liệu gốc, duy nhất do các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy tạo ra từ giữa thế kỷ XVIII. Tính độc đáo, duy nhất của tập tư liệu này thể hiện việc lưu bút tích các danh nhân văn hóa và là quan lại cao cấp như: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự với các ấn triện, gia huy, khẳng định bản quyền. Chữ viết trên mộc bản là chữ Hán ngược, được khắc trên ván, đẹp, thanh thoát, với nhiều dạng chữ như: Lệ thư, Thảo thư, giản tự, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy…hàm chứa nhiều giá trị. Nội dung tư liệu mộc bản phong phú được chắt lọc từ tinh hoa Nho giáo, văn hóa giáo dục của khu vực, kết hợp nhuần nhuyễn với văn hóa bản địa, bổ sung nhiều tư liệu của Việt Nam, như phần lịch sử các triều đại Việt Nam từ thời Đinh đến thời Trần cùng với các nhận xét, đánh giá các vị vua. Tư tưởng của Khổng giáo được tiếp thu có phê phán, chọn lọc.
Chương trình Văn nghệ trước khi diến ra tại buổi lễ
Sức lan tỏa của tư liệu mộc bản Trường học Phúc Giang
Năm 1759, một năm sau khi các bộ sách được khắc in, Nguyễn Huy Oánh được cử làm Tư nghiệp (Hiệu phó) Quốc Tử Giám, sau thăng Tế tửu (Hiệu trưởng). Các tư liệu in từ Mộc bản trường học Phúc Giang đã được ông dùng để giảng dạy, đào tạo nhân tài, nâng cao vị thế của Việt Nam. Về sau, thời nhà Nguyễn, các thế hệ sau của dòng họ Nguyễn Huy, điển hình là Nguyễn Huy Tá, phó Đốc học (Hiệu phó) Quốc Tử Giám ở kinh thành Huế dùng làm tài liệu dạy học. Các tác giả chính của mộc bản như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự đều tham gia giảng dạy cho các vua chúa.
Mộc bản Trường học Phúc Giang có ảnh hưởng đến Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), Danh nhân văn hóa thế giới, năm 2015 được UNESCO vinh danh nhân và tổ chức kỷ niệm 250 năm sinh, người từng qua lại làng Trường Lưu trong nhiều năm và có tác phẩm “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” nổi tiếng. Đồng thời Mộc bản cũng góp phần vào việc phát triển loại hình nghệ thuật Hát phường vải Trường Lưu, một bộ phận của Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể năm 2014.
Mộc bản Trường học Phúc Giang và các tài liệu liên quan được, giới thiệu, trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Hà Tĩnh
Đánh giá, nhận xét về các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy được lưu giữ qua các bức đại tự của vua quan nhà Thanh tặng cho Nguyễn Huy Oánh (Đẩu Nam tuấn dự - Ngôi sao Đẩu của nước Nam), Nguyễn Huy Tự (Võ khố hùng lược- Văn võ toàn tài); thơ văn trao đổi giữa Nguyễn Huy Oánh với sứ thần Cao Ly và Nhật Bản, qua đánh giá của triều Lê khi cử Nguyễn Huy Oánh tiếp sứ thần nhà Thanh năm 1761.
Đặc biệt, khi soạn sách giáo khoa, các soạn giả đã tham khảo 9 bộ sách của nhiều danh sĩ, các tác gia văn học, trong đó có 3 người từng đi sứ Trung Hoa: Nguyễn Tông Quai (1693-1767), Vũ Khâm Thận (1703- ?) và Đỗ Huy Kỳ (1695-1748); các sách trên đã góp phần đào tạo được 5 sứ thần nổi tiếng: Nguyễn Duy Hoành (1737- ?), Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Lê Hữu Dụng (1745- ?), Đỗ Huy Diễn (1746-1828) và Nguyễn Đường (1746- ?), làm tăng cường các mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa.
Bà Su san Vize đánh giá cao giá trị của "Mộc bản Trường học Phúc Giang"
Ngoài ra, Mộc bản "Trường học Phúc Giang" còn có sức lôi cuốn các nhà nghiên cứu ở các nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam: Phương pháp soạn sách giáo khoa của các thầy giáo dòng họ Nguyễn Huy phù hợp với trình độ giáo dục đương thời và vẫn còn có ý nghĩa kinh nghiệm cho việc biên soạn tài liệu giáo dục hiện nay. Là hiện vật quý hiếm, cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nhiều lĩnh vực như: giáo dục, văn hóa, nghề in, kỷ thuật, mỹ thuật chạm khắc, đời sống kinh tế - xã hội của một vùng quê xa kinh thành.
Tập tư liệu này cho biết sự du nhập của Nho học vào Việt Nam và đã được biến đổi phù hợp với nền giáo dục của Việt Nam đương thời, và cũng là tư liệu gốc để nghiên cứu sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa, nhất là về giáo dục, qua việc tiếp thu và phát triển các sách giáo khoa kinh điển của Nho gia cho việc giáo dục ở Việt Nam để so sánh với sự tiếp thu Nho giáo và giáo dục Nho học của các nước đồng văn như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh rằng người Hà Tĩnh luôn biết phát huy truyền thống hiếu học của cha ông
Được biết, sau lễ vinh danh đợt này “Mộc bản trường học Phúc Giang-Di sản tư liệu thế giới” tiếp tục được rước từ T.P Hà Tĩnh đưa về trưng bày tại Hội trường UBND xã Trường Lộc, huyện Can Lộc đến hết ngày 30/9/2016