Hà Tĩnh: Hội thảo tổng kết Mô hình xây dựng vùng lúa tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP

Hà Tĩnh: Hội thảo tổng kết Mô hình xây dựng vùng lúa tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP
Với mục tiêu dần hình thành các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp từ sản cuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển bền vững. Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện mô hình xây dựng vùng lúa tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Sau thời gian triển khai, sáng ngày 4/9, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã tổ chức Hội thảo tổng kết đánh giá kết quả của mô hình.
Về dự Hội Thảo có các đại diện: Chi cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông; Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh; Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN các huyện; đại diện lãnh đạo các xã và các hộ dân tham gia thực hiện mô hình.

Mô hình được thực hiện với quy mô 30 ha, trong đó: 20 ha sử dụng giống lúa BQ được thực hiện vào vụ Xuân với 50 hộ tham gia tại Thôn Tân Thanh, xã Thạch Xuân (Thạch Hà) và 10ha sử dụng giống lúa Khang dân đột biến thực hiện trong vụ Hè Thu  với 25 hộ tham gia tại thôn Quốc Tiến, xã Cẩm Duệ ( Cẩm Xuyên).

Đối với giống lúa Khang dân đột biến, mặc dù mức đầu tư là tương đương nhau, giá tiêu thụ cũng như nhau, lượng giống gieo thấp hơn nhưng khi thực hiện mô hình theo quy trình VietGAP thì cho năng suất cao hơn 200kg/ha so với đại trà (năng suất khi sản xuất lúa theo VietGAP: 5tấn/ha; theo truyền thống 4,8 tấn/ha). Nếu tính bình quân chung, sản xuất giống lúa KD đột biến theo VietGAP sẽ thu lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa KD đột biến không theo VietGAP là 1.430.000 đồng/ha (lợi nhuận mang lại khi sản xuất lúa KD đột biến theo VietGAP 5.450.000đ/ha còn sản xuất theo truyền thống là 4.020.000 đồng/ha).

Với giống lúa BQ, khi sản xuất theo cả 2 quy trình đều cho năng suất 5 tấn/ha, nhưng giá bán lúa sản xuất theo quy trình VietGAP cao hơn so với sản xuât truyền thống nên lợi nhuận mang lại sẽ cao hơn là 5.770.000 đồng/ha (lợi nhuận khi sản xuất theo VietGAP của lúa BQ mang lại là 8.870.000 đồng/ha).
Tại hội thảo, nông dân đánh giá cao mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP như: Tham gia mô hình sản xuất lúa theo VietGAP, nông dân  được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây lúa như: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP),… Trong đó, chu trọng sử dụng giống lúa co năng suất, chất lượng cao, giảm lượng giống gieo và đặc biệt nông dân đều nắm bắt được  kỹ thuật chăm sóc cây lúa: Biết bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng; sử dụng thuốc BVTV hợp lý, an toàn và hiệu quả, đảm bảo được thời gian cách ly; sử dụng giống và vật tư nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giúp nông dân giảm chi phí, tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng và môi trường, sản xuất theo hướng bền vững.

Cũng tại Hội thảo này, 2 Hợp tác xã  Đồng Sơn  (Thạch Xuân, Thạch Hà) và Hợp tác xã Vệ sinh môi trường và dịch vụ tổng hợp xã Cẩm Duệ đã được trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm lúa của mô hình nói trên./.

Nguyễn Hoàn - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Nguồn tin: 
http://www.sonongnghiephatinh.gov.vn