Hà Tĩnh: Nhà máy sản xuất gỗ gần 1.500 tỷ đi vào hoạt động

Hà Tĩnh: Nhà máy sản xuất gỗ gần 1.500 tỷ đi vào hoạt động
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh vừa chứng kiến, cắt băng khánh thành Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF lớn nhất nhì khu vực Bắc Trung bộ.

Sáng 21/4, tại Cụm công nghiệp Vũ Quang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), Cty CP gỗ MDF Thanh Thành Đạt đã tổ chức lễ khánh thành, đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF có tổng mức đầu tư gần hơn 1.440 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất gỗ ván ép MDF, HDF được xây dựng trên diện tích 18ha với công suất thiết kế 120.000m3/ngày; gỗ ván thanh công suất 2.400m3/ngày. Nhà máy sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới (xuất xứ từ CHLB Đức và các nước châu Âu), tự động hóa ở mức cao nhằm đảm bảo sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý, đảm bảo môi trường.

Cắt băng khánh thành Nhà máy

Dự án này khởi công từ tháng 12/2016, trong quãng thời gian hơn 2 năm qua, chủ đầu tư đã nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng, hoàn thành nhà máy và đưa vào vận hành đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chúc mừng tập thể Cty CP gỗ MDF Thanh Thành Đạt cùng các chuyên gia, kỹ sư thuộc các nhà thầu thiết bị đã nỗ lực thi công nhà máy đảm bảo tiến độ. Việc đưa vào vận hành Nhà máy gỗ ván ép MDF, HDF sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất rừng trồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung, huyện Vũ Quang và các địa phương phụ cận nói riêng; góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng nông thôn, miền núi; giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy phát triển rừng trồng đên địa bàn Hà Tĩnh chung, các tỉnh lân cận nói riêng.

“Để phát huy tối đa hiệu quả của nhà máy, đề nghị các sở ngành, địa phương liên quan và Cty CP gỗ MDF Thanh Thành Đạt đẩy mạnh việc trồng rừng, khai thác gỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng; phát triển vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy. Đồng thời, thát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và Cty; chủ động thu hút đầu tư các dự án sản xuất thành phẩm sử dụng nguyên liệu là gỗ MDF, HDF của nhà máy và các sản phẩm phụ trợ phục vụ sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu này”, ông Thắng nhấn mạnh.

THANH NGA/ Nông nghiệp