Hà Tĩnh: Rau sạch Tượng Sơn vươn ra thị trường quốc tế
- Chủ nhật - 05/05/2019 22:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Rau sạch Tượng Sơn là sản phẩm đánh dấu sự thành công của ngành rau Hà Tĩnh hiện nay. Đầu năm 2019, Công ty CP Du lịch và Thực phẩm Sao Việt đã ký hợp đồng tiêu thụ rau, củ, quả cho HTX Hoàng Hà, xã Tượng Sơn để phục vụ cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và xuất khẩu đi thị trường châu Âu, mỗi ngày 1,5 tấn rau, củ, quả các loại và có thể sẽ tăng lên khoảng 8 - 15 tấn/ngày vào cuối năm. Đây là cơ hội lớn để rau, củ, quả Hà Tĩnh vươn ra thị trường Quốc tế.
Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Tượng Sơn - anh Dương Kim Tuấn, chúng tôi về với thôn Bắc Bình, nơi đây có vùng quy hoạch rau rộng 2,6 ha và gần 2 ha rau trồng trong vườn hộ. Với khẩu hiệu “Sản phẩm kết tinh từ tâm và công nghệ” đồng thời được hỗ trợ từ nhiều chính sách, sự quan tâm của các cấp chính quyền, năm 2011 đến nay, người dân xã Tượng Sơn đã không ngừng tiếp cận các công nghệ mới như giống mới, quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, lắp đặt trạm báo thời tiết tự động, dán tem nhãn, đặc biệt là sử dụng công nghệ internet để quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường. Thông qua hàng chục lớp đào tạo, tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng, lý thuyết kết hợp với thực tiễn đã xây dựng cho người dân Tượng Sơn một nền tảng kiến thức, kinh nghiệm thiết yếu trong sản xuất rau của mình.
Bước đi trên cánh đồng dưa chuột, bác Nguyễn Thị Thanh, thôn Bắc Bình chia sẻ: Nhà bác trồng hơn 2.000m2 rau, bác ông làm bí thư thôn nên đa phần thời gian là lo việc xóm làng, còn bác cứ từ sáng đến tối bầu bạn với rau cũng mang lại nguồn thu nhập từ 500 đến 1 triệu đồng/ngày. Mỗi năm 3 vụ, mùa nào rau ấy, cứ vậy thành quen, giờ có nhiều “mẹo” để trồng rau ít sâu bệnh và cho nhiều quả. Đối với cây cho quả như cà chua, cà tím…, để cây cho quả nhiều, to và đều thì chỉ để 3 – 4 nhánh chính ở gốc; sau khi hái lứa quả đầu tiên phải bỏ bớt những lá mọc ban đầu, đặc biệt là các lá ở gốc để tạo độ thông thoáng, giảm sự trú ngụ của sâu bệnh và nấm mốc. Cây bí xanh thì sau khi cây đủ 6 lá phải quấn quanh gốc, cứ mỗi mắt lá thì dùng đất lấp 1 mắt, để 1 mắt cho ra cành, khi cây có 3 đến 4 cành mới bắt nhánh lên giàn.
Sản xuất rau hàng hóa khó ở chỗ mẫu mã đẹp thì người mua nghĩ là bón phân, phun thuốc, rau cằn cỗi lại không có người mua. Vậy nên quy trình chăm bón phải rất tỷ mỉ và cẩn trọng từ khâu làm đất, chọn giống đến phòng trừ sâu bệnh. Phân chuồng là phân chủ đạo và được ủ vi sinh, hoai mục. Phân được bón vào các rãnh rồi lấy nước vào ngập rãnh, ngâm khoảng 12 tiếng, sau khi phân tan và ngấm hết vào đất thì tháo nước ra, như vậy phân sẽ không ngấm vào lá và quả. Rau được hái khi chưa có ánh nắng mặt trời, thường khoảng 2 giờ sáng người dân đã hái rau để tránh làm giảm chất lượng rau. Chọn giống phù hợp với thổ nhưỡng và nhu cầu thị hiếu của người dùng. Ở đây trồng giống bí xanh Tre Việt, quả vừa và đặc, còn các loại bí quả to quá hay nhỏ quá cũng hạn chế người mua. Cây giống ươm tập trung, rồi chọn cây to khỏe để trồng.
Theo anh Nguyễn Trọng Túc, trưởng thôn Bắc Bình cho biết: Thôn có khoảng 5ha trồng rau ở vùng tập trung và các vườn hộ với gần 100 hộ, cho thu nhập bình quân khoảng 10 - 25 triệu đồng/tháng/hộ. Các hộ đều tuân thủ quy trình VietGAP và hữu cơ, sản phẩm được kiểm định chất lượng mới được dán tem nhãn, trong quá trình sản xuất các hộ kiểm soát lẫn nhau. Rau sạch Tượng Sơn đã có thương hiệu và thị trường nên người dân an tâm sản xuất và cũng ổn định thu nhập.
Kim Thịnh - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn