Hà Tĩnh: Sản xuất vùng lúa tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP – Xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp
- Thứ năm - 05/09/2019 03:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mục tiêu của mô hình là định hướng cho bà con nông dân sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, quy hoạch những vùng sản xuất lúa tập trung, sử dụng một loại giống lúa chất lượng cao trên một xứ đồng; có sự liên kết 4 nhà, khuyến khích ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Tổng diện tích thực hiện mô hình là 30 ha, trong đó vụ Xuân triển khai 20 ha, sử dụng giống lúa BQ, với 50 hộ dân thuộc HTX Đồng Sơn, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà tham gia; vụ Hè Thu triển khai trên diện tích 10 ha, sử dụng giống Khang dân đột biến, với 25 hộ thuộc HTX Vệ sinh môi trường và Dịch vụ tổng hợp xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên tham gia.
Tất cả 75 hộ tham gia thực hiện mô hình được cán bộ kỹ thuật tư vấn và hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây lúa tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo tập trung, bón phân cân đối nên cây lúa cứng, ruộng thông thoáng, tỷ lệ gây hại của các đối tượng sâu bệnh thấp hơn…, nhờ đó giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm chi phí sản xuất từ 25- 30% so với canh tác truyền thống, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đến với gia đình chị Huệ, thôn Quốc Tiến, xã Cẩm Duệ, hộ tham gia mô hình, chị phấn khởi chia sẻ: “Bước đầu tham gia mô hình vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen ghi chép nhật ký. Sau khi được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa VietGAP, áp dụng vào thực tiễn, tôi thấy rõ nhất đó là ý thức, trách nhiệm để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gieo cấy tập trung, bón phân cân đối nên cây lúa cứng, đẻ nhánh khỏe, giảm sâu bệnh hại…, nhờ đó giảm số lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất rõ rệt. Nhận thức được ý nghĩa của mô hình, gia đình tôi tiếp tục duy trì trong những mùa vụ tiếp theo”.
Tại cuộc Hội thảo, tổng kết đánh giá mô hình, ông Võ Tá Kỷ, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ phát biểu: Bước đầu thực hiện mô hình đã khẳng định được tính hiệu quả của mô hình, giúp nông dân trong vùng biết cách quản lý đồng ruộng, ghi chép nhật ký, sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ để bảo vệ sức khỏe. Trước khi tham gia mô hình, bà con sử dụng lượng phân bón tùy tiện, chưa đúng thuốc, đúng loại, chưa đúng thời điểm. Sau khi tham gia mô hình, được các cán bộ kỹ thuật tập huấn và hướng dẫn thực hành VietGAP, các hộ đã vận dụng vào thực tiễn sản xuất nên bón phân vào lúc nào và bón bao nhiêu cho phù hợp; sử dụng thuốc BVTV gì, vào thời điểm nào, thời gian cách ly ra sao.
Bên cạnh đó tất cả các bao, bì, vỏ chai thuốc, bà con không vứt bừa bãi ngoài đồng ruộng mà áp dụng kỹ thuật rửa bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng và thu gom đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tại các hộ gia đình đã có tủ thuốc y tế, kho bảo quản phân, thuốc riêng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá rất cao những kết quả đạt được và trao giấy chứng nhận VietGAP cho HTX Đồng Sơn, xã Thạch Xuân và HTX Vệ sinh môi trường và Dịch vụ tổng hợp xã Cẩm Duệ. Đây là những tiền đề để nhân rộng và tạo sức lan tỏa mô hình sản xuất lúa VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới, hình thành những vùng sản xuất được ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nghiêm ngặt, các biện pháp kỹ thuật dựa trên quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, kỹ thuật IPM. Qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở và các hộ nông dân, dần thay đổi quan điểm, nhận thức trong công tác chỉ đạo, điều hành của cán bộ địa phương theo hướng tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nguyễn Thị Lý - Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn