Hà Tĩnh: Tìm biện pháp tiêu thụ lợn cho bà con nông dân
- Thứ bảy - 06/05/2017 12:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh: "Khẩn trương đưa ra biện pháp khả thi để hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi" |
Chung tay với người chăn nuôi lợn
UBND huyện Lộc Hà đã chủ động thành lập tổ trợ giúp tiêu thụ lợn thương phẩm cho người dân. Ông Phan Văn Nhàn- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện giao cho Trưởng phòng Nông nghiệp huyện chủ trì, phối hợp với người chăn nuôi xây dựng 4 điểm bán thịt lợn nhằm giải quyết một phần tồn đọng, đồng thời góp phần bình ổn giá cả thị trường, nhằm tránh tình trạng thương lái mua lợn của người dân rất thấp (chỉ khoảng 22.000 đồng/kg lợn hơi), nhưng giá bán thịt lợn cho người tiêu dùng vẫn như giá trước đây (mua với giá trên 42.000 đồng/kg lợn hơi). Huyện hỗ trợ băng rôn, bao bì gói hàng, điểm bán, không thu thuế. Hiện nay đã chọn địa điểm, lò giết mổ, dự kiến ngày 20/5/2017 sẽ khai trương.
Sáng 4/5/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và một số doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi lợn để bàn giải pháp tháo gỡ, ổn định sản xuất.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã phải đến từng trại để có biện pháp cụ thể giúp đỡ các hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn; rà soát các nhà hàng, cơ quan đơn vị có nhu cầu thực phẩm lớn để vận động cùng chia sẻ với người chăn nuôi; thành lập các cửa hàng “giải cứu nông sản”.
Ngành nông nghiệp, các địa phương rà soát lại đàn nuôi, dứt khoát không được tăng đàn; giảm quy mô đàn ở cơ sở chăn nuôi lớn. Sở Công thương tham mưu thành lập tổ công tác của tỉnh để chủ động nắm bắt, quản lý thị trường, tham mưu cho tỉnh điều tiết thị trường, chống tư thương độc quyền, nhằm bình ổn giá. Ngành ngân hàng xem xét để giãn nợ, đánh giá đúng giá trị tài sản của các chủ trang trại để cho các hộ chăn nuôi vay vốn.
Về chính sách hỗ trợ, giao Sở NN&PTNT chủ trì, xác định lại quy mô tài chính, báo cáo UBND tỉnh kịp thời để có phương án hỗ trợ người chăn nuôi, yêu cầu giải quyết nhanh, không để bà con trông chờ. Đồng thời rà soát giá bán thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp, trường hợp nào bán quá mức giá quy định, chưa giảm cho người chăn nuôi báo cáo với lãnh đạo tỉnh. Các cơ sở cần liên kết thành lập các hiệp hội chăn nuôi để cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
Còn tồn đọng trên 80 ngàn con lợn
Theo tính toán, các cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô từ 300 con trở lên đang chịu lỗ từ 300-600 triệu đồng/tháng. Đối với người chăn nuôi lợn thịt cũng hết sức khó khăn, ế ẩm. Thời điểm này, tổng đàn lợn thịt đến kỳ xuất chuồng trên toàn tỉnh hiện còn khoảng hơn 80.000 con. Trong đó, tồn đọng ở cơ sở chăn nuôi gia công quy mô lớn là 43.500 con lợn thương phẩm và 40.000 con từ cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ; lợn giống sau cai sữa trên địa bàn tỉnh hiện còn tồn đọng nhiều. Qua rà soát tại 26 cơ sở chăn nuôi lợn nái cung ứng quy mô vừa và nhỏ, hiện các cơ sở còn tồn đọng con giống sau cai sữa (trọng lượng từ 7- 35 kg/con) là 30.000 con.
Ông Nguyễn Văn Sửu- Chủ cơ sở chăn nuôi lợn nái ở xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà cho biết: Trang trại của gia đình ông có 470 nái, từ tháng 1/2017 đến nay đã lấp đầy 2 chuồng lợn giống vì không tiêu thụ được… Đến nay, có tới 85% các cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ lợn thịt tại huyện dừng nuôi, khiến cho các trại lợn nái rất khó khăn.
Ông Hoàng Văn Cảnh - Tổ 5 thị trấn Cẩm Xuyên, người từng được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016, là chủ trang trại 350 nái ngoại từ 2014 đến nay cho biết: Do không xuất bán được lợn giống, nên trang trại của gia đình ông còn có hơn 500 con lợn, trọng lượng hơn 90 kg/con, gọi thương lái nhiều lần nhưng không đến bắt. Hiện tại rất khó khăn về vốn để duy trì sản xuất. Vay ngân hàng thì đã hết hạn mức cho vay, trang trại của gia đình ông đầu tư hết hơn 18 tỷ song ngân hàng chỉ cho vay hơn 4 tỷ…
Các chủ trang trại chăn nuôi đều nêu khó khăn chung, đó là: Lợn giống, lợn thịt không bán được, nhưng hàng ngày phải chi phí các khoản như tiền thức ăn, tiền điện, tiền trả cho công nhân… nên không còn vốn để duy trì sản xuất. Đại đa số các chủ trang trại chăn nuôi đến thời điểm hiện nay đã hết hạn mức vay, không có tài sản cầm cố để vay ngân hàng.
Để giải quyết số lợn đang tồn đọng trong dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chính quyền các cấp, các ngành có liên quan khẩn trương đưa ra biện pháp khả thi để hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi, đừng để xã hội và người chăn nuôi cho rằng chính quyền các cấp vô cảm trước những khó khăn của người nông dân.