Hà Tĩnh phát huy tiềm năng, tăng tốc phát triển
- Thứ tư - 13/03/2019 06:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một chấm nhỏ nơi “đòn gánh gánh hai đầu đất nước” đã thật sự nổi bật với các chỉ số phát triển ở top đầu cả nước…
Những con số “biết nói”
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, vui mừng cho biết: “Năm 2018 khép lại, Hà Tĩnh có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.770 tỷ đồng. Đây là năm Hà Tĩnh đạt kết quả cao nhất, chuyển biến tích cực nhất sau 2 năm đầu nhiệm kỳ gặp nhiều khó khăn, thách thức”.
Năm 2018, Hà Tĩnh đã cấp phép đầu tư cho 60 dự án trong nước với số vốn đăng ký hơn 4.734 tỷ đồng và 7 dự án FDI với số vốn đầu tư hơn 84 triệu USD. Ngoài các dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, tỉnh còn thu hút một số dự án lớn về lĩnh vực công nghiệp như: Nhà máy gỗ OKAL, OSB tại KKT Vũng Áng của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (tổng mức đầu tư 2.343 tỷ đồng); Nhà máy HAIVINA Hồng Lĩnh của Công ty TNHH HAIVINA - Hàn Quốc (tổng vốn đầu tư 15 triệu USD); Nhà máy điện mặt trời của Công ty GA. Power LTE. LDT - Cộng hòa Liên bang Đức (vốn đầu tư 46,6 triệu USD)...
Đặc biệt, hiện còn có nhiều nhà đầu tư lớn trong, ngoài nước đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Hà Tĩnh như: Tập đoàn T&T tìm hiểu đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ; Tập đoàn FLC tìm hiểu đầu tư dự án tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển FLC Thiên Cầm, dự án Khu đô thị thông minh FLC TP. Hà Tĩnh; Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Hoàng tìm hiểu đầu tư dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế Hà Tĩnh; Công ty ME-LE Biogas GMBH (Cộng hòa Liên bang Đức) tìm hiểu đầu tư về 4 dự án nhà máy điện khí sinh học; Công ty Phát triển công nghiệp Gyelim, Công ty Phát triển công nghiệp Dea Ryuck, Công ty Điện lực Đông Nam (Hàn Quốc) tìm hiểu đầu tư nhà máy điện sinh khối.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đang là “đất lành” của 829 nhà đầu tư trong, ngoài nước (755 dự án trong nước với tổng vốn 107 nghìn tỷ đồng và 74 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 12 tỷ USD). Sự góp mặt của các nhà đầu tư đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và từng bước đưa Hà Tĩnh trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Trung Bộ. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của Hà Tĩnh từ 2015 đến nay, bình quân đạt trên 22%/năm. Chỉ số phát triển công nghiệp giai đoạn này cũng có tốc độ tăng bình quân hơn 50%/năm.
Năm 2018, sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh ước đạt 44.700 tỷ đồng, tăng 86,6% so với năm 2017, giúp tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển công nghiệp.
Dấu ấn rõ nét nữa trong những “tác động” của các nhà đầu tư đến kinh tế Hà Tĩnh thời gian qua là làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu việc làm, phát triển nguồn nhân lực địa phương. Hiện, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho hơn 19 nghìn lao động trong nước và quốc tế với thu nhập bình quân 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Mùa “vàng” nông thôn mới
Sau gần 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là triển khai, tổ chức thực hiện bài bản, sáng tạo, quyết liệt, Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, đưa XDNTM từng bước đi vào chiều sâu, bền vững.
Năm 2018 cũng ghi dấu một sự kiện được “dệt” nên từ sự chung tay, góp sức của hệ thống chính trị và bà con nhân dân khi Hà Tĩnh có thêm 45 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng cao so với kế hoạch đề ra (chỉ tiêu kế hoạch là 20 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2018 là 158 xã, chiếm 68,99% tổng số xã (cả nước 43,02%), về đích trước thời hạn 2 năm so với chỉ tiêu của Trung ương và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đề ra.
Số tiêu chí bình quân đạt 17,7 tiêu chí/xã (bình quân toàn quốc là 14,57 tiêu chí/xã); không còn xã dưới 11 tiêu chí. Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM trước thời hạn 2 năm và cũng là huyện NTM đầu tiên của Hà Tĩnh. Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu lan tỏa nhanh và ngày càng khẳng định tính tất yếu của việc XDNTM bền vững.
Ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG XDNTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Năm 2018 được xem là năm thành công nhất của Chương trình XDNTM của Hà Tĩnh, không chỉ số xã đạt chuẩn NTM nhiều nhất từ trước đến nay mà sự hài lòng của người dân cao nhất, các xã đạt chuẩn bền vững, thuyết phục. Quan trọng hơn, chiều sâu giá trị NTM không chỉ dừng lại ở những con số mà chính là chất lượng vững bền trong mỗi cộng đồng làng xã…”.
Năm 2019, Hà Tĩnh tiếp tục xác định XDNTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tổ chức thực hiện toàn diện trên tất cả tiêu chí, nội dung đi vào chiều sâu, bền vững, gắn với xây dựng đô thị văn minh, hướng tới XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Tập trung phát triển kinh tế nông thôn ở tất cả các lĩnh vực, ngành; kiên trì phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, sản phẩm chủ lực trên địa bàn, gắn với thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCP) của tỉnh giai đoạn 2018-2020; phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp; có giải pháp giải quyết vấn đề môi trường hiệu quả. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho XDNTM.
Những thanh âm quen thuộc trong bài hát “Mùa Xuân đầu tiên” của nhạc sỹ Văn Cao lại ngân vang, báo hiệu sự chuyển giao của đất trời, vạn vật cỏ cây. Trong tâm thế phấn khởi với những thành công, những “điểm sáng” đáng mừng, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh chộn rộn những xúc cảm rạo rực đón chào năm mới Kỷ Hợi 2019 và những mục tiêu, kỳ vọng cao hơn trên chặng đường phấn đấu mới.
Tác giả: Trà Giang
Nguồn tin: http://kinhtenongthon.vn/