Hải Dương mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
- Chủ nhật - 18/06/2017 11:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mùa vải thiều 2017, Hải Dương đã xuất 5.000 tấn vải tươi sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Thailand và Australia. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp nông thôn Hải Dương năm 2017 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức sáng 18/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng những thành tựu phát triển nông nghiệp thời gian qua của Hải Dương chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vì vậy, các cấp ủy, chính quyền tỉnh cần dồn sức cho nông nghiệp để khai thác hiệu quả hơn những thế mạnh sẵn có của địa phương.
Thẳng thắn mổ xẻ những hạn chế
Theo thống kê của tỉnh Hải Dương, tốc độ tăng doanh nghiệp nông nghiệp hiện vẫn rất thấp. Cụ thể, tốc độ tăng doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chỉ 2%/năm, trong khi tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp nói chung là 25%/năm.
Hiện toàn tỉnh có trên 11.700 doanh nghiệp tuy nhiên chỉ có 1.600 doanh nghiệp đăng ký các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp trong nước hoạt động thực sự và 18 doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài hoạt động lĩnh vực này.
Tổng nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương là trên 15.000 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi, liên kết sản xuất.
Một trong những nguyên nhân, theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, do tính bền vững, tính ổn định trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, bị động trước biến động thị trường, lợi nhuận thấp, rủi ro cao, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Song theo nhiều ý kiến doanh nghiệp tham dự hội nghị, đầu tư vào nông nghiệp ở Hải Dương còn hạn chế bởi ưu đãi chưa hấp dẫn, lãi suất ngân hàng còn cao, giá thành sản xuất cao, giá bán sản phẩm thấp.
Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Việt cho biết, khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch đang là nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp, tuy nhiên để đầu tư, công ty gặp khó khăn về vốn.
Nêu dẫn chứng từ việc giải cứu lợn trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty giống cây trồng Kiên Giang cho rằng, việc có chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp chế biến thu mua, bảo quản thịt khi thị trường dư thừa nguồn cung là rất cần thiết.
Ông Cường đề nghị: “Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cụ thể hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để từ đó tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ nông sản, đồng thời ưu đãi về vốn vay để doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh, bình ổn giá khi thị trường có biến động”.
Việc chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản hơn và mong chính quyền địa phương đồng hành cũng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng là quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
“Hải Dương có nhiều nông sản có tiếng, giá trị kinh tế cao, nhưng muốn nâng cao giá trị gia tăng thì cần chú trọng xây dựng thương hiệu và đầu tư quảng bá hơn nữa. Thương hiệu Nếp cái hoa vàng là thương hiệu nổi tiếng, nhưng tỉnh lại giao cho một HTX nhỏ để quản lý và phát triển thương hiệu thì không đủ tầm”, bà Trần Thị Chính, Giám đốc TNHH Kim Chính phát biểu.
Bà Chính cũng băn khoăn: “Hiện nay, để mở rộng vùng nguyên liệu hay xây dựng nhà máy, chúng tôi phải tự đi thỏa thuận với người dân để giải phóng mặt bằng với số tiền lên đến 100 triệu đồng/sào.
Như vậy, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Hải Dương làm sao có thể lớn mạnh được, làm sao có thể có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện những hoài bão phát triển lớn hơn?”.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Nhấn mạnh những thách thức đang đặt ra với nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định mạnh mẽ về định hướng ngành nông nghiệp nước ta sẽ phải chuyển trạng thái, phải tái cơ cấu mạnh mẽ, sản xuất tập trung theo hướng công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị.
Ghi nhận những việc Hải Dương đã làm được trong thời gian qua như hình thành một số vùng trồng trọt, chăn nuôi chủ lực, hình thành được một số mô hình liên kết chuỗi, tuy nhiên Bộ trưởng cũng đề nghị Hải Dương cần dốc sức, dồn các nguồn lực toàn bộ nền kinh tế để đầu tư cho nông nghiệp.
Đồng thời, lấy nông nghiệp để thúc đẩy dịch vụ, du lịch phát triển. Về quy hoạch, Hải Dương cần rà soát những thế mạnh để từ đó tổ chức những ngành hàng chiến lược, có chính sách cụ thể và minh bạch đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Hải Dương cần chú trọng phát triển doanh nghiệp tại chỗ, bằng cách đào tạo, khích lệ, tạo điều kiện để người nông dân phát triển từ sản xuất nhỏ lẻ, liên kết, trưởng thành, phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp.
Bộ trưởng cũng cho biết những đề xuất, kiến nghị của Hải Dương sẽ được Bộ tổng hợp, xem xét và kiến nghị tới các bộ ngành liên quan, với Chính phủ để cùng tháo gỡ, xoay quanh các nhóm cơ chế về đất đai, về chính sách ưu đãi, về tín dụng…
Với mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp tập trung, hiện đại, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, tỉnh đã có một số chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Tháng 9/2016, tỉnh đã ban hành đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020” với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp về thuê đất, hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ phát triển vùng thủy sản tập trung…
Đồng thời, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh đang miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, áp dụng các ưu đãi theo quy định của Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện tại, tỉnh đang xây dựng đề án tích tụ ruộng đất, nới hạn điền để tạo cơ sở nền tảng cho việc sản xuất hàng hóa, tập trung.
Trước những ý kiến về khó khăn trong nguồn vốn, thủ tục hành chính trong triển khai dự án…, ông Nguyễn Mạnh Hiển cũng đề nghị các ngành liên quan hỗ trợ thật tốt các doanh nghiệp. “Chúng tôi tập trung thu hút đầu tư DN vào nông nghiệp theo tình thần tất cả vì nông nghiệp. Tỉnh coi thành công của DN nông nghiệp khi đầu tư vào Hải Dương cũng như thành công của chính mình”, ông Hiển khẳng định.
Cũng tại hội nghị, tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh đang thiết tha mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp như: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi…/.
Mạnh Minh/TTXVN