Hai nhà phát minh... 'chân đất' khiến nhiều người kinh ngạc
- Thứ bảy - 29/08/2015 10:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sản phẩm của hai nông dân này không những đoạt giải cao ở Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam mà còn được ứng dụng trong cộng đồng.
Máy vớt lục bình của “kỹ sư lớp 8”
“Kỹ sư lớp 8” là cách người dân ở thôn Lam Phụng (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) gọi ông Hồ Văn Luyện - người chế tạo chiếc máy vớt lục bình. Ông Luyện cho biết: “Hồi còn làm ở bến phà, tui được đi tham quan Tây Ninh, TP.HCM thấy lục bình trôi kín sông. Ông bạn tui là nông dân Tây Ninh, làm ra nông sản phải vận chuyển đi đường vòng vì “sông chết” bởi lục bình quá dày. Nghe bạn than quá trời nên trong đầu tui manh nha ý định làm một cái gì đó để trị lục bình”.
Ông Luyện trước đây là công nhân bến phà Hà Nha (xã Đại Đồng). Năm 2004 khi cây cầu Hà Nha được đưa vào sử dụng, bến phà Hà Nha bị giải thể. Vì không có bằng cấp nên ông Luyện thất nghiệp, ở nhà làm “thợ đụng”. Cũng thời gian này “cái gì đó” trong ông lớn dần vào mỗi mùa mưa bão khi nước từ sông Vu Gia mang đầy rác thải và lục bình vào ruộng lúa. Năm 2010 ông thiết kế chiếc máy vớt lục bình bằng mô hình rồi đi mua phế liệu về làm.
Lùng sục các kho phế liệu tại Đà Nẵng rồi ăn nằm luôn tại xưởng cơ khí, nhiều người bảo ông Luyện là “khùng”. “Thấy tiền đổ như nước bà nhà tui than trời. Nhiều lần bả dọa bỏ nhà đi vì tui không lo nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn học mà lao đầu vào đống sắt vụn. Bà con ở đây thì ủng hộ nhưng cũng không tin lắm vì mình đâu có bằng cấp chi mà sáng với chế cái máy to đùng” - ông Luyện nhớ lại.
Ông Hồ Văn Luyện hi vọng trong tương lai sẽ có nơi đặt hàng để ông làm thêm những chiếc máy vớt lục bình, giải cứu kênh rạch Ảnh: P.H.
Gần hai năm trời ném tiền vào phế liệu, đến đầu năm 2013 chiếc máy vớt lục bình của ông Luyện dần thành hình. Máy được ông đặt tên Long Phụng, cao 2,5m, dài 6m, rộng 2,1m. Máy vận hành trên cơ sở băng chuyền, các xẻng múc được gắn ở băng chuyền sẽ gắp lục bình lên tháp và đổ vào máy cắt. Tại khoang cắt, lục bình bị băm thành mẩu nhỏ, sau đó các cánh dao quay quanh trục và đẩy lục bình về phía máy ép. Hệ thống cắt - ép được thiết kế hai lần khép kín, ép lục bình thành những mẩu vụn có thể đóng thành thùng để dễ vận chuyển làm phân xanh trong nông nghiệp.
Theo ông Luyện, công suất máy có thể vớt - ép 150 tấn lục bình/ngày và nổi ở mặt nước có độ sâu 60cm nên hoàn toàn có khả năng hoạt động tại các khu vực kênh rạch chằng chịt lục bình ở đồng bằng sông Cửu Long. Đầu năm 2014, chiếc máy này được ông bán lại cho một doanh nghiệp tại Hà Tĩnh với giá 800 triệu đồng. “Tui đang ấp ủ làm chiếc máy thứ hai với giá thành không quá 500 triệu đồng. Giờ tui đã có kinh nghiệm hoàn thiện nên làm rất nhanh, chi phí thấp” - ông Luyện nói.
Nông dân chế xe cày đa năng
Mùa này, đi dọc các cánh đồng ven sông Vu Gia (huyện Đại Lộc) thỉnh thoảng lại bắt gặp người dân dùng chiếc cày đa năng để làm đồng thay vì dùng cuốc. Với sức đẩy bằng tay, người nông dân có thể dễ dàng dùng chiếc cày này vun luống, xén cỏ, gieo hạt... Người sáng chế ra chiếc cày đa năng là nông dân Lương Văn Đồng (thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng).
Nông dân Lương Văn Đồng với chiếc cày đa năng - Ảnh: Phong Vân
Cặm cụi lắp ráp chiếc cày đa năng để kịp giao cho khách, ông Đồng kể: “Tui vốn vừa là thợ rèn, vừa làm nông nên ban đầu tự thiết kế ra chiếc cày để làm luống ruộng cho nhanh. Tui lấy mâm xe, ghiđông, phuộc... rồi làm như mô hình chiếc xe rùa nhưng có lắp thêm lưỡi cày phía dưới. Khi áp dụng tui thấy công lao động giảm hơn một nửa nên từ đó sáng chế thêm nhiều công dụng khác”. Từ những công dụng ban đầu như cày rắc hàng, xớt cỏ bệ và cào rác, ông Đồng đã “trình làng” công dụng thứ năm của chiếc cày này là hộp bỏ giống tự động.
Ý tưởng về chức năng này được ông ấp ủ nhiều năm liền, tiến hành thử nghiệm rồi nâng cấp, cải tiến loại cày này. “Chiếc hộp bỏ giống này được thiết kế theo nguyên lý trong lúc cày hàng thì hạt giống tự động rơi phía sau, khoảng cách giữa các hạt giống thì có thể tự điều chỉnh. Từ đó người nông dân không phải khòm lưng bỏ từng hạt giống như trước đây” - ông Đồng giải thích.
Ông Lương Ba (nông dân thôn Dục Tịnh, Đại Hồng) cho biết nhà ông có 6 sào đất màu, trước đây mỗi lần cày đất, gieo giống tốn cả chục công làm. Từ khi dùng chiếc cày của ông Đồng thì hai vợ chồng ông chỉ cần làm trong vòng hai ngày là vừa cày vừa gieo xong. “Cái cày này nhìn thấy đơn giản nhưng lại giúp tụi tui làm đất khỏe re. Giờ trong thôn nhà nào cũng có 1-2 chiếc cày đẩy do chú Đồng sáng chế”- ông Ba nói.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng ông Đồng làm gần 20 chiếc cày với giá thành 300.000 đồng/chiếc để bán cho người có nhu cầu. Ông Đồng tâm sự: “Tui làm cái cày này trước là để phục vụ công việc làm nông cho mình nhưng thấy nông dân ưa chuộng nên rất mừng. Mười năm qua tui bán hơn 1.000 chiếc khắp Bắc, Trung, Nam”.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Thạc sĩ Nguyễn Văn Diệu, phó chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Nam, cho biết cả hai sản phẩm của ông Hồ Văn Luyện và ông Lương Văn Đồng đều là sản phẩm đoạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam lần IV.
“Cả hai sáng chế của anh Luyện và anh Đồng đều rất thực tế vì các anh là nông dân, các anh làm ra những sản phẩm để đáp ứng thực tiễn. Các sản phẩm này có chung tiêu chí là chi phí thấp nhưng hiệu quả cao vì các anh tận dụng được nguyên liệu cũ. Chúng tôi đã hướng dẫn anh Luyện làm thủ tục đăng ký sáng chế và đang đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế đối với mô hình máy vớt lục bình” - ông Diệu cho biết.