Hạn chế đốt rơm rạ, cách nào hiệu quả?
- Thứ năm - 08/06/2017 06:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường tại ngoại thành Hà Nội. |
Nguồn nguy hại với môi trường
Càng gần thời điểm làm đất gieo cấy vụ mùa, môi trường không khí vùng ngoại thành càng trở nên ngột ngạt. Nhiều cánh đồng của huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng… mù mịt khói do nông dân đốt bỏ rơm rạ. Bà Trần Thị Cảnh, ở xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) cho biết: Gia đình trồng 3 sào lúa nhưng nhiều năm nay thường đốt bỏ ngay tại ruộng để làm phân bón…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xuân Đào Quang Ánh: Hiện nay, xã còn hơn 30ha trồng lúa, mỗi vụ phát sinh khoảng 40 tấn rơm rạ. Trước đây, các hộ sản xuất nông nghiệp tích trữ rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò hoặc làm nguyên liệu đun nấu. Hiện nay, do không chăn nuôi và sử dụng bếp gas nên nhiều hộ đốt hoặc bỏ rơm rạ trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn hệ thống thủy lợi. Mặc dù địa phương đã tăng cường tuyên truyền không đốt rơm rạ nhưng nhiều hộ chưa tự giác chấp hành…
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, trên địa bàn thành phố phát sinh hơn 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp với lượng đốt bỏ ngoài cánh đồng khoảng 352 nghìn tấn. Tính riêng huyện Đan Phượng, mỗi năm phát sinh khoảng 35,7 nghìn tấn, trong đó 32,1 nghìn tấn bị đốt, 3,6 nghìn tấn được sử dụng làm nhiên liệu đun nấu và chế biến thành thức ăn cho gia súc.
Việc đốt bỏ rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp của huyện Đan Phượng đã phát thải vào môi trường hàng chục tấn khí CO2, CO, CH4, SO2, N2O… Đây là những chất không chỉ gây hại cho sức khỏe con người mà còn tác động xấu đến môi trường không khí. Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ còn gây khói, cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông...
Đâu là giải pháp hiệu quả?
Để giải quyết tình trạng trên, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, các ngành liên quan cùng các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường; đồng thời, nghiên cứu và cung cấp các loại chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch…
Thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng mô hình sử dụng rơm rạ để trồng khoai tây trên đất hai lúa. Với quy mô 110ha, 1.413 hộ dân mỗi vụ sản xuất đã sử dụng khoảng 2.500 tấn rơm rạ dư thừa để trồng khoai tây. Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn hướng dẫn nông dân kỹ thuật xử lý rơm rạ để trồng nấm, làm phân bón hữu cơ…
Để tạo chuyển biến bền vững trong bảo vệ môi trường, đầu tháng 6 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cung cấp miễn phí chế phẩm sinh học; đồng thời, hướng dẫn cho 100 hộ nông dân của xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) thực hiện thí điểm mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ, rác thải sinh hoạt có nguồn gốc thực vật.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp chế phẩm sinh học: Chỉ cần 2 giờ và 65.000 đồng mua chế phẩm, mỗi nông dân có thể xử lý được 1 tấn rơm rạ. Sau 15 ngày ủ, khối lượng rơm rạ này sẽ cho khoảng 400kg phân bón hữu cơ, tương đương giá trị 500.000 đồng. Chế phẩm sinh học này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế và chứng minh hiệu quả kinh tế, môi trường tại nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước như: Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thanh Chi cho rằng, sau thu hoạch người dân nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ dư thừa thành phân bón vi sinh, tái phục vụ sản xuất. Nguồn dinh dưỡng hữu cơ không chỉ giúp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, gia tăng giá trị mà còn khắc phục tình trạng thoái hóa đất (do lạm dụng sử dụng phân bón hóa học), giảm chi phí, khắc phục tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường…
“Sau mô hình thí điểm ở xã Thọ Xuân, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá hiệu quả và tham mưu UBND thành phố về cơ chế, chính sách để hỗ trợ lâu dài cho người sản xuất nông nghiệp nhằm chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường...” - bà Lưu Thanh Chi cho biết thêm.