Hành trình trồng cam sạch của cô gái xứ Nghệ

Hành trình trồng cam sạch của cô gái xứ Nghệ
“Đừng nghĩ khởi nghiệp nông nghiệp là dễ thu tiền tỉ. Khởi nghiệp nông nghiệp rất cần một quá trình bền bỉ, sáng tạo và đam mê thực sự đối với từng sản phẩm”.

Sự khởi đầu từ nỗi lòng cam nhà

Với dáng người nhỏ nhắn, cô gái xứ Nghệ- Nguyễn Thị Lê Na (Phó GĐ Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Qùy, đồng thời là Giám đốc Công ty CP Vườn rừng Sinh thái Thượng Lộc- tỉnh Nghệ An) nở nụ cười duyên, kể về hành trình đến với cây cam của mình.

Hành trình trồng cam sạch của cô gái xứ Nghệ - ảnh 1
Khởi nghiệp cùng Cam Vinh Kỳ Yến.

Từ những năm 80, gia đình chị đã gắn cuộc đời với cây cam ở nông trường Xuân Thành. Sau khi Liên Xô tan rã, hạn ngạch xuất khẩu bị dừng, nông trường cũng không còn trồng cam mà giao khoán đất. Gia đình trải qua nhiều khó khăn khi trồng cây trên đất khoán. Từ cây hoa màu rồi cây nông nghiệp, gia đình chị chuyển hẳn sang trồng cam. Chị kể : “Những năm đầu tiên khi cam cho trái, chị nhớ là vào năm 2000, khi đó thương lái ép giá, cam rớt giá đỉnh điểm, có những năm cam chín rụng mà không có người mua, gia đình chị phải đổ bỏ cả chục tấn. Bố và em gái chị thậm chí phải trực tiếp mang cam đi bán xuống chợ Vinh hay các chợ lẻ khác và chào hàng khắp nơi mà không ăn thua, thậm chí còn bị chủ vựa lừa tiền, không thanh toán”. Cuối năm 2013 có lẽ là thời gian khiến cho chị bén duyên với “nghề”. Khi gia đình chị bị lừa 1,5 tấn cam ở Đông Anh- Hà Nội mà không thanh toán tiền. Chị phải nhờ mọi mối quan biết để lấy lại số cam đã mất, may mắn gỡ gạc được 9 tạ cam, và cũng nhờ mạng xã hội trong vòng hai ngày chị bán hết số cam ấy.

Thương bố mẹ tiều tụy, mọi vốn liếng cả đời đổ dồn vào số cam ấy, mặc cho gia đình phản đối, và công việc đang ổn định, chị quyết định nghỉ việc ở công ty Honda và thành lập Công ty làm thị trường cho cam của gia đình và người thân.

“Đừng nghĩ khởi nghiệp nông nghiệp là dễ thu tiền tỉ...”

Những ngày đầu lập nghiệp, ông xã cùng chị chạy vạy vay tiền để mở công ty. Tại Hà Nội, việc đầu tiên chị Lê Na làm là mở cửa hàng thực phẩm sạch kết hợp bán cam để tiêu thụ hàng của gia đình. Chị tận dụng mọi nguồn ra cho sản phẩm từ mua bán online cho tới nguồn ra trực tiếp. Quá trình bán hàng không hề dễ dàng gì khi khách chê vì cam không đẹp, cam bán đắt đỏ... Nhưng sau mỗi lần thất bại chị lại rút ra cho mình kinh nghiệm trong quản lý từng mặt hàng. Thà một mặt hàng để “năng nhặt chặt bị” còn hơn nhiều mặt hàng mà không quản lý được.

Thế rồi, cô gái lúc ấy chưa đầy ba mươi ấy quyết định quay trở về quê học làm nông dân. Khi đang loay hoay trong việc tìm kiếm kỹ sư cùng ý chí thì Na may mắn gặp những bạn kỹ sư yêu nông nghiệp sinh thái. Họ cùng nhau chia sẻ kiến thức, trao dồi những chỗ còn thiếu, san sẻ những chỗ mình “thừa”. Và cứ thế, Na cùng cộng sự của mình miệt mài xây dựng vườn cam.

Chị nói: “Mình thành lập Công ty ban đầu là để tiêu thụ sản phẩm cho gia đình và người thân một cách ổn định và có thương hiệu. Tuy nhiên, muốn phát triển thương hiệu tốt thì cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về an toàn cũng như chất lượng nên khi về quê mình đã làm cam VietGAP để kiểm soát tốt hơn sản phẩm mình cung ứng ra thị trường”. Bởi theo chị “Bản thân mình phải là người làm tốt ngay từ đầu thì mới tạo lòng tin cho người tiêu dùng”.

Những tháng sau đó, ngày thì lên vườn xem xét tình hình thuê người lên phát cỏ, đào hố... đêm về lại mày mò tìm hiểu, chị đọc mọi tài liệu của trong nước và ngoài nước về mô hình trồng cây bằng chế phẩm sinh học. Không ngại khó, ngại khổ, chị cùng cộng sự ủ phân từ rơm rạ, vỏ trấu, phân bò và thậm chí là hàng tấn xác mắm cá. Rồi nghĩ cách diệt sâu bệnh từ chế phẩm sinh học, trồng xen canh cây trồng, đánh mã số vị trí, hàng, loại cây…, sau đó nhập vào máy tính để theo dõi.

 

Với chị đã đến lúc đổi chiến thuật từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang "Đánh chắc thắng chắc" nghĩa là cái gì cũng cần tìm hiểu từ ngọn nguồn gốc rễ, kiểm tra và thử nghiệm mẫu một cách kỹ lượng mới tung ra thị trường. Những thất bại và khổ cực đã giúp chị rút ra kinh nghiệm: “Là người trẻ khởi nghiệp, mình nhận ra rằng ta phải thực tế hơn, ít mơ hồ đi, đừng nghĩ khởi nghiệp nông nghiệp là dễ thu tiền tỉ. Khởi nghiệp nông nghiệp rất cần một quá trình bền bỉ, sáng tạo và đam mê thực sự đối với từng sản phẩm”.

Hành trình trồng cam sạch của cô gái xứ Nghệ - ảnh 2
Thu hoạch cam Vinh Kỳ Yến

Thử nghiệm thành công phương pháp trồng cam 28 tháng cho thu hoạch (sớm hơn cam Vinh 5 tháng), cô gái đầy nghị lực lại thực hiện cái tư duy khác biệt khi làm cam sinh thái, không phun hoá chất, thân thiện với môi trường, bỏ ngoài tai sự hoài nghi của gia đình và sự chế giễu của mọi người khi phá bỏ cái thông lệ trồng cam truyền thống và kinh nghiệm mà bố mẹ đã làm gần 40 năm qua, đã tạo nên thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến, được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ. Cho đến nay Cam Vinh Kỳ Yến có tổng diện tích cam trồng theo quy trình VietGAP là 10ha của 04 hộ nông dân và đang tích cực hướng dẫn, đào tạo, liên kết để phát triển thêm với 20 hộ nông dân hướng tới quy mô 50ha. Thị trường thụ ngày càng mở rộng, chị cho biết Cam Vinh Kỳ Yến cung ứng vào hệ thống hơn 50 siêu thị, cửa hàng chủ yếu tại Hà Nội, Vinh và đang tiến hành mở rộng tại thị trường TP. Hồ Chí Minh...Còn đối với dòng sản phẩm chế biến thì đang chú trọng phát triển tại thị trường nội tỉnh và vươn xa ra thị trường quốc tế như Nga, Nhật Bản...  như là món quà đặc sản dành cho khách du lịch.

Ngoài ra, Công ty đang có riêng diện tích 05 ha đang trồng cam theo hướng sinh thái, bền vững, hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp, đây là một quá trình “lột xác” trong kinh doanh nông nghiệp. Vì mô hình mới do công ty nghiên cứu học hỏi và phát triển, nên chỉ đang thực hiện thí điểm trên diện tích 05ha chứ chưa triển khai nhân rộng ra cho bà con nông dân. Bởi muốn thuyết phục bà con nông dân, theo chị phải chỉ rõ tính hiệu quả của mô hình bằng “mắt thấy tai nghe” thì nông dân mới tin và làm theo.

Tìm cơ hội phát triển mới cho nông dân

Lê Na luôn canh cánh trong lòng rằng: “Khi khởi sự với cây cam, mình chỉ nghĩ đến chuyện bán cam cho gia đình. Nhưng khi làm rồi, mình nhận thấy nếu không làm khác đi thì hoàn toàn rất lãng phí công sức đã bỏ ra và hóa ra không bằng những người nông dân chân lấm tay bùn đã nuôi mình ăn học mong mình làm được những gì mới hơn, khác hơn, tạo ra giá trị cao hơn”.

Trong quá trình thu hoạch cam, những loại cam có mẫu mã không đẹp như rám hoặc bị lỗi sâu một phần, phải bỏ lại không đưa ra thị trường được, chị thấy tiếc đứt ruột. Thương người nông dân, cũng như muốn bảo toàn được ít nhất 30% sản lượng cam bị thất thoát sau thu hoạch, gia tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích; Lê Na đã nghiên cứu làm ra các sản phẩm chế biến từ cam như mứt vỏ cam, mứt nước cam, tinh dầu cam ... và có hàng trăm, hàng ngàn các thứ khác có thể làm ra từ cam nữa mà chị nghĩ mình có thể làm ra trong tương lai. Từ những thứ rất rất đơn giản như nước rửa bát, xịt phòng cho đến những giải pháp mà chị nói đùa rằng "cứu thế nhân loại" là làm vỏ cam thay thế than hoạt tính để lọc nước nhiễm độc, nhiễm kim loại nặng, cho đến cung cấp giải pháp chữa trị ung thư dạ dày, da ... Những thứ tưởng chừng như đơn giản quanh ta nhưng cũng có thể là những thứ gì đó rất vĩ đại trong tương lai.

Hành trình trồng cam sạch của cô gái xứ Nghệ - ảnh 3
Những kĩ sư trẻ tâm huyết với kĩ thuật trồng mới

“Chúng ta cần tìm cách làm khác đi, đừng tìm cách cạnh tranh với nông dân mà nên biết cách kết hợp với họ, hỗ trợ họ phát triển để mình cùng phát triển. Sáng tạo và tìm ra phương thức mới luôn cần thiết đối với khởi nghiệp nói chung nhưng với khởi nghiệp nông nghiệp thì lại càng vô cùng cần thiết”. Là những gì mà chị bộc bạch khi nói về các sản phẩm chế biến từ quả cam. Người phụ nữ chỉ mới ngoài ba mươi ấy, rắn rỏi một cách lạ thường, lại tiên phong cho thế hệ trẻ dám ước mơ và dám thực hiện. Cái chất khiêm nhường luôn thể hiện khi chị phủ nhận rằng: “chị chưa làm gì nhiều, có gì mà to tát đâu em, chị làm vì muốn bảo tồn loại cam truyền thống và hướng đến sự bền vững trong nông nghiệp, và chị cũng chỉ là một người rất nhỏ đang trên hành trình tập tành khởi sự kinh doanh nông sản”.

Song hành cùng mô hình trồng cam ở Qùy Hợp, mới đây chị là người khởi xướng dự án “Vườn rừng sinh thái Thượng Lộc”, để trồng cam sinh thái dựa trên mô hình nông lâm kết hợp nhưng vẫn phát triển được lợi thế cạnh tranh của vùng là cây cam và bảo vệ phát triển rừng. Cam Thượng Lộc là một vùng sản xuất cam có từ lâu đời của Hà Tĩnh và được đánh giá rất tốt về chất lượng. Dù là 2 dự án khác nhau về mặt địa lý nhưng định hướng và mục tiêu như nhau. Nhưng ngoài canh tác nông nghiệp thì “Vườn rừng sinh thái Thượng Lộc” còn hướng đến phát triển du lịch sinh thái nhằm giảm áp lực kinh tế với nông nghiệp mà vẫn đem lại giá trị gia tăng cao nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.

Chị Na đã định hướng doanh nghiệp của mình đi theo mô hình doanh nghiệp xã hội và ở đó kinh doanh cần thiết phải gắn với trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và bảo vệ môi trường. Với chị, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc khởi nghiệp nông nghiệp là nuôi con gì, trồng cây gì để bán không thôi thì sẽ rất dễ dẫn đến khủng hoảng thừa trong nông nghiệp và gây thiệt hại tới môi trường và kinh tế. Chúng ta cần tìm hướng phát triển các dịch vụ từ nông nghiệp và nỗ lực tạo ra giá trị cao hơn trên cùng 1 đơn vị diện tích. Nếu GDP đóng góp từ nông nghiệp cao thì đất nước sẽ mãi nghèo, còn GDP đóng góp từ dịch vụ cao thì đất nước mới giàu mạnh được, những người khởi nghiệp nông nghiệp nếu biết nắm được nguyên tắc này để vận dụng vào chính từng doanh nghiệp của họ và có được cái nhìn tổng thể hơn sẽ có thể dễ thành công hơn.

 

 

NGUYÊN HÀ/ PLO