Hiến kế hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
- Chủ nhật - 05/08/2018 03:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước quan tâm tìm hiểu và đầu tư với quy mô lớn, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chỉ 8% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Trong giai đoạn 2005 - 2016, số lượng các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông lâm thủy sản tăng từ 2.217 doanh nghiệp lên 4.400 doanh nghiệp, bình quân tăng 6,4%/năm.
Năm 2017, có 1.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt trên 5.661 doanh nghiệp. Tính đến quý II/2018, có khoảng 7.600 doanh nghiệp nông nghiệp.
Bên cạnh sự tăng lên của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp, một số doanh nghiệp tập đoàn lớn ngoài lĩnh vực nông lâm thủy sản cũng đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, như tập đoàn Vingroup, MaSan, Himlam, Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, Pan group… Những đơn vị này cũng áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ mới và đã cho những kết quả ban đầu khá tốt.
Với các dự án đầu tư bài bản, các doanh nghiệp đã bước đầu tạo được hiệu ứng lan tỏa, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, thắp lửa tinh thần khởi nghiệp cho nông dân trở thành doanh nhân trên chính mảnh đất của họ.
Tuy nhiên, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Quốc gia và chưa thật sự bền vững, hiệu quả. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; nhưng các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp với số lượng 7.600 doanh nghiệp; còn lại các doanh nghiệp trong chuỗi các ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến hàng; cung cấp nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp dịch vụ thương mại...
Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ. Xét theo quy mô lao động, 96% các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Nguồn vốn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% - 10% tổng nguồn vốn của toàn khu vực doanh nghiệp. Trong đó, vốn của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất chỉ chiếm khoảng 1%.
Giải pháp thu hút doanh nghiệp
Ngày 30/7, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nông nghiệp chỉ chiếm 18% GDP là quá khiêm tốn.
Đồng thời, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề bất cập như doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số 96%; năng suất lao động sản xuất nông nghiệp thấp; chỉ có 5% sản phẩm được cấp chứng chỉ VietGAP; khâu chế biến sau thu hoạch còn nhiều vấn đề…
Thủ tướng khẳng định, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, ứng dụng KHCN, tiếp tục hoàn thiện thể chế lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là nhiệm vụ cấp bách.
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần cắt giảm 40- 50% thủ tục hành chính hiện hành, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp một cách nghiêm túc và thực chất. Đồng thời, rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như cần tập trung tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; gắn với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương; gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phải đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, trong đó phải dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi quy trình từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; đổi mới tổ chức sản xuất, cách thức tổ chức chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp...
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều chỉnh các chính sách thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng, nâng cao quản lý nhà nước với thị trường nông nghiệp… Các bộ, ngành cần cải cách hành chính, giảm 50% các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu gạo, xúc tiến mở rộng thị trường nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Mỹ, châu Âu.../.