Hiệu quả khu chăn nuôi tập trung

Hiệu quả khu chăn nuôi tập trung
Xác định mô hình chăn nuôi tập trung là hướng đi bền vững, vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, vừa đảm bảo môi trường; thời gian qua, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao.

Diện mạo mới trên vùng đất cằn


Trước đây, mấy chục héc-ta đất ở khu vực cách xa khu dân cư thôn Vĩnh Thái, xã Cam Hiệp Nam về phía tây rất khô cằn, đến cây mì cũng rất khó phát triển; nhưng từ khi người dân tận dụng nguồn nước thải từ các trại chăn nuôi nằm xen kẽ trong khu vực để tưới, nơi đây luôn được bao trùm một màu xanh của mì và các loại cây ăn quả như: xoài, thanh long, mãng cầu… Ông Nguyễn Trường Giang, người dân địa phương cho biết: “Tôi có 5 sào đất nằm trong quy hoạch khu chăn nuôi tập trung này, nhưng mấy năm trước tôi đã bán 1 sào cho người ta làm trại nuôi heo. Từ đó đến nay, nhờ xin được nguồn nước thải từ trại heo để tưới, tôi không trồng mì nữa mà chuyển qua trồng mãng cầu nên hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều”.

 

Một góc khu chăn nuôi tập trung ở thôn Vĩnh Thái
Một góc khu chăn nuôi tập trung ở thôn Vĩnh Thái


Được biết, toàn bộ khu vực 25ha đất dọc con đường bê tông nói trên được xã Cam Hiệp Nam quy hoạch để xây dựng khu chăn nuôi tập trung từ năm 2012. Để thu hút và tạo điều kiện cho người dân vào đây chăn nuôi, xã đã mạnh dạn đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng hạ tầng đường, điện. Nhờ vậy, chỉ trong vài năm, khu chăn nuôi tập trung này đã có 9 trại heo và hơn chục trại gà, quy mô mỗi trại từ 1.000m2 trở lên, đến nay đều mang lại hiệu quả cao. Ông Phạm Thái, chủ trại nuôi heo gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ: “Từ khi chuyển vào đây hoạt động, tôi không còn băn khoăn bởi việc chăn nuôi của mình gây ô nhiễm trong khu dân cư như trước. Tôi đã nuôi được 3 lứa, bình quân mỗi lứa tôi được phía công ty trả 400 triệu đồng tiền nuôi gia công”.


Hướng đi bền vững


Phần lớn trại chăn nuôi nằm trong khu tập trung này là nuôi gia công cho các công ty lớn, chỉ số ít do người dân nuôi tự chủ. Tuy nhiên, tất cả đều phải đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt về môi trường từ phía đối tác cũng như chính quyền địa phương và cơ quan chức năng như: hầm biogas, hồ lắng lọc xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

 
Ông Đỗ Minh Thạnh - Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam cho biết: “Chúng tôi xác định đây là hướng đi bền vững và nhiều triển vọng trong chăn nuôi của địa phương. Ngoài việc tạo điều kiện giúp người dân tăng quy mô sản xuất, thu nhập; khu chăn nuôi tập trung giải quyết tốt vấn đề môi trường bởi nó đã và sẽ tiếp tục thu hút những hộ chăn nuôi quy mô lớn trong khu dân cư trên địa bàn vào đây hoạt động. Từ 2 yếu tố này, chúng tôi đánh giá khu chăn nuôi tập trung ở thôn Vĩnh Thái đến thời điểm này đã mang lại hiệu quả rất tốt. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã quy hoạch thêm 1 khu chăn nuôi tập trung nữa với quy mô 15ha ở thôn Quảng Đức nhằm tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi ở thôn này và những thôn lân cận vào đây hoạt động”.

Theo Báo Khánh Hòa