Hiệu quả mô hình giảm giống lúa gieo sạ
- Thứ tư - 04/10/2017 05:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Khiết bên ruộng mô hình |
Vụ HT 2017, Trạm Khuyến nông TX Tân Châu (An Giang) phối hợp với hộ ông Nguyễn Văn Khiết, ngụ tại ấp Phú Hữu 2, xã Lê Chánh thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm lượng giống gieo sạ trong canh tác lúa với mật độ sạ 100kg/ha, diện tích 5.000m2, sử dụng giống OM 6976 cấp xác nhận do Cty CP Tập đoàn Lộc Trời phân phối.
Qua hơn ba tháng thực hiện, mô hình đã đạt được hiệu quả khả quan và hy vọng sẽ được nhiều nông dân áp dụng.
Về hiệu quả kinh tế, nhờ áp dụng giảm giống kết hợp ứng dụng chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, bước đầu đã giảm được lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha, giảm được 2 lần phun thuốc BVTV so với ruộng đối chứng (ruộng canh tác theo tập quán cũ, sạ với mật độ 180 - 200kg/ha ). Mô hình giảm được chi phí về giống lúa, thuốc BVTV nhưng năng suất lại tăng nên gia tăng lợi nhuận.
Năng suất lúa của ruộng mô hình đạt 6,98 tấn/ha, ruộng đối chứng đạt 6,22 tấn/ha. Chi phí sản xuất của ruộng mô hình thấp hơn so với ruộng đối chứng 1.872.660 đồng/ha. Với giá bán 5.300 đồng/kg thì lợi nhuận của ruộng mô hình 19.126.000 đồng/ha, ruộng đối chứng chỉ có lợi nhuận 13.689.400 đồng. Như vậy, lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng (sạ dầy theo tập quán cũ) 5.436.660 đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Khiết cho biết: “Tham gia mô hình giúp tôi có kiến thức và kinh nghiệm canh tác mới để ứng dụng vào sản xuất. Vụ HT 2017 ngoài diện tích tham gia mô hình tôi còn áp dụng 1,5ha đất còn lại sạ với mật độ sạ 10kg/1.000m2 . Kết quả làm tôi rất phấn khởi vì canh tác theo phương thức mới với mật độ gieo sạ 100kg/ha thì mức độ gây hại của sâu bệnh ít hơn, lúa nẩy chồi nhiều hơn, cứng cây hơn, năng suất cao hơn so với canh tác theo kiểu cũ”.
Cũng theo ông Khiết, trước đây bà con trong vùng đều có tập quán sạ dầy đến 180 - 200kg/ha, nay được tham gia mô hình, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật sạ thưa kết hợp việc áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” nên SX rất hiệu quả, lợi nhuận cao hơn các hộ bên ngoài trên 5 triệu đồng/ha.
Thời gian qua, phần lớn bà con ngại áp dụng sạ thưa do sợ ốc ăn mất lúa giống và không có chuẩn bị lúa giống để cấy lại. Do đó để áp dụng việc sạ thưa có hiệu quả cần quản lý ốc trước khi gieo sạ bằng biện pháp cho nước vào ruộng từ 1 - 2 ngày. Sau đó ốc trồi lên mặt nước rồi phun thuốc diệt. Bên cạnh đó, quản lý cỏ cũng cần được quan tâm ngay từ đầu vụ bằng biện pháp phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm sau khi sạ từ 1 - 2 ngày.
Đối với phân bón, nên sử dụng phân đơn để dễ điều chỉnh lượng phân theo nhu cầu của lúa. Bón lót trước khi gieo sạ, bón thúc lần 1 (8 - 12 ngày sau sạ), bón thúc lần 2 lúc lúa đẻ nhánh (18 - 22 ngày sau sạ), bón đón đòng (khi cây lúa có đòng từ 1 - 2mm), bón rước hạt nhằm gia tăng số chồi hữu hiệu và số hạt trên bông để ruộng lúa cho năng suất cao nhất.
Trong 40 ngày đầu sau sạ, cần hạn chế phun thuốc trừ sâu để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng. Quản lý nước theo phương pháp ngập khô xen kẽ để giúp bộ rễ lúa ăn sâu nhằm hạn chế đổ ngã khi điều kiện thời tiết bất lợi.
Giảm giống gieo sạ có ý nghĩa rất quan trọng giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giúp cây lúa phát triển khỏe, tăng năng suất, chất lượng nông sản và góp phần tăng lợi nhuận. |