Hiệu quả nuôi cá lóc lót bạt
- Thứ ba - 28/08/2018 23:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với khoảng 45m2 diện tích bể nuôi, mỗi năm mô hình này mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh đến 300 triệu đồng sau khi trừ tất cả các chi phí.
Để có được thành công như bây giờ, anh Nhựt đã phải mất một năm đi khắp các tỉnh thành miền Trung để tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá lóc. Đến nơi nào, anh cũng dành cả ngày để theo dõi quy trình chăm sóc của các trại nuôi để từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Đầu năm 2015, khi cảm thấy mình đã nắm cơ bản kỹ thuật, anh bắt tay vào đầu tư xây dựng ao nuôi và mua giống về thả.
Trung bình cứ 15m2 diện tích của anh Nhựt đạt gần 3 tấn cá thương phẩm |
“Khi trực tiếp nuôi mới có thêm được kinh nghiệm thực tế. Vụ nuôi đầu tiên tôi gặp không ít khó khăn về vấn đề điều trị bệnh cho cá nên cá nuôi liên tục chết. Tính ra đợt đó toàn bộ số tiền khoảng 70 triệu đồng đầu tư vào cá lóc đều mất sạch”, anh Nhựt cho biết.
Không nản chí, sau thất bại ban đầu, anh tiếp tục vay mượn thêm 100 triệu đồng để xây dựng lại bể ba bể nuôi, mỗi bể có diện tích 15m2. Rút kinh nghiệm từ vụ trước, trong vụ nuôi thứ hai, anh tự xây dựng cho mình một kỹ thuật nuôi mới từ khâu cho cá ăn, thay nước và phương pháp chữa trị khi nhận thấy cá có dấu hiệu nhiễm bệnh. Bằng tâm huyết đó, thành công đã đến với anh khi đàn cá phát triển tốt và xuất bán sau 6 tháng thả nuôi.
“Với 3 bể nuôi thì mỗi năm có thể thả được 2 vụ. Mỗi vụ như thế tôi thu được trung bình khoảng 8 tấn cá thương phẩm. Với giá bán trung bình khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí về thức ăn, thuốc men thì có lãi khoảng 300 triệu đồng”, anh Nhựt nói.
Theo anh Nhựt, so với các trại nuôi cá lóc lót bạt mà trước đây anh tìm hiểu thì kỹ thuật nuôi của anh khác đến khoảng 70%. Điểm đầu tiên có thể kể đến là mật độ thả nuôi. Hiện nay, tính trung bình mỗi m2 diện tích anh thả khoảng hơn 400 con giống, cao hơn rất nhiều so với cá trại nuôi khác.
Mật độ thả nuôi cao nên cần đòi hỏi nhiều yêu cầu về kỹ thuật để đảm bảo được tính hiệu quả. Điểm quan trọng được anh Nhựt đặc biệt là khâu thay nước bể. Số lượng đàn đông nên chỉ trong một thời gian ngắn, bể nước bị nhiễm bẩn, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Chính vì vậy, mỗi ngày anh phải thay nước thường xuyên (khoảng 3 lần) đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cá.
“Ngoài thay nước thường xuyên thì tôi cũng xây dựng lịch cho cá ăn cố định. Nếu như các trại nuôi khác mỗi ngày chỉ cho ăn khoảng 2 lần thì tôi chia ra làm 4 lần. Mỗi lần như thế tôi chia nhỏ lượng thức ăn vừa không để lãng phí vừa hạn chế sự cạnh tranh thức ăn, giảm được yếu tố phân đàn”, anh Nhựt chia sẻ.
Anh Nhựt thường chia chia nhỏ lượng thức ăn cho cá thành 4 bữa mỗi ngày |
Cá lóc là loại có sức sống khỏe nhưng với mật độ nuôi cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Chính vì thế trong quá trình nuôi, anh Nhựt thường xuyên theo dõi các biểu hiện bất thường của đàn cá để phát hiện ra bệnh và chữa trị kịp thời.
Suốt nhiều năm gắn bó với cá lóc, anh Nhựt cho biết, các bệnh thường gặp trên loại cá này là nấm, bệnh về gan. Tuy nhiên, các chứng bệnh này cũng không hề khó để chữa trị. Yếu tố quan trọng nhất là phát hiện kịp thời để mua thuốc về hòa vào nước hoặc thức ăn để điều trị, tránh lây lan.
“Cần chú ý một điểm nữa là những khi thời tiết thay đối thì cá lóc sẽ có biểu hiện chán ăn. Lúc đó cần bổ sung thêm thuốc bổ cho cá đặc biệt là các loại vitamin cho cá. Nếu áp dụng được hiệu quả các khâu cơ bản trên thì lợi nhuận không cần phải lo lắng. Tôi nhận thấy so với các loại thủy sản mà mình đã từng nuôi thì cá lóc là loại mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất”, anh Nhựt chia sẻ thêm. |