Hiệu quả nuôi cá lồng vùng trung du miền núi phía Bắc

Hiệu quả nuôi cá lồng vùng trung du miền núi phía Bắc
Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng, bè trên sông tại một số tỉnh miền Bắc phát triển mạnh, đối tượng nuôi chủ yếu là cá lăng đen, rô phi, điêu hồng, chiên, ngạnh…; góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
 

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2016, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nuôi 11.643 lồng (tăng trên 50% so với năm 2015); sản lượng đạt 10.837 tấn. Trong đó, tập trung  tại Phú Thọ (sản lượng 3.890 tấn, chiếm 35,8%), Sơn La (sản lượng 2.189 tấn, chiếm 20,1%) và Hòa Bình (sản lượng 2.012 tấn, chiếm 18,5%). Tính đến tháng 9/2017, khu vực trung du miền núi phía Bắc có 17.733 lồng, sản lượng cá nuôi ước đạt 9.559 tấn.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Hiệu quả nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc” vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Hòa Bình, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, nghề nuôi cá lồng bè có ưu thế dễ nuôi, dễ chăm sóc, dễ thu hoạch; đặc biệt, cá nuôi lồng bè có chất lượng thịt thơm ngon, không có mùi bùn như nuôi trong ao, năng suất cao gấp 10-20 lần so với nuôi cá ở ao hồ. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng, bè ở các địa phương vẫn chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng. Số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu. Người nuôi phát triển một cách tự phát, không theo quy hoạch, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên dễ bị thương lái ép giá, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, môi trường ngày càng ô nhiễm, sự biến động thời tiết đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người nuôi...

Sau khi lắng nghe những ý kiến thảo luận, gợi mở những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn, tạo thêm động lực thúc đẩy nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ phát triển bền vững tại các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc, ông Kim Văn Tiêu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tăng cường quản lý chất lượng con giống, cơ sở sản xuất giống để có con giống chất lượng cao cho nông dân nuôi hiệu quả. Tăng cường quản lý thuốc thú y, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường tốt hơn.

Các viện nghiên cứu tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tạo ra các giống cá mới có chất lượng cao, sức đề kháng tốt, sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh, nhanh lớn, hệ số thức ăn thấp, thịt thơm ngon, thị trường ưa chuộng.

Các chi cục thủy sản, chi cục thú y, chi cục quản lý chất lượng quản lý chặt chẽ cá giống lưu hành trên thị trường và cơ sở sản xuất con gống; quản lý chặt chẽ thuốc thú y, chế phẩm sinh học,… Thực hiện tốt quy hoạch nuôi cá lồng trên địa bàn, hướng dẫn người dân phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả. Quản lý chất lượng cá thương phẩm sản xuất và lưu hành trên thị trường.

Trung tâm khuyến nông các tỉnh và các doanh nghiệp tập trung xây dựng các mô hình nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao theo hướng an toàn thực phẩm gắn với thị trường; đồng thời đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức nuôi trồng thủy sản cho cộng đồng người nuôi theo phương pháp cầm tay chỉ việc.

Nông dân tăng cường tham quan học hỏi, trao đổi giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với đơn vị chuyển giao, giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với chuyên gia để chia sẻ thông tin về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, thị trường...; mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện liên kết sản xuất hình thành các nhóm, tổ hợp tác để hỗ trợ nhau cùng phát triển và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; trong quá trình làm phải ghi chép nhật ký để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hạch toán hiệu quả kinh tế, đồng thời rút kinh nghiệm cho vụ sau.

 

Theo Kinh tế nông thôn