Hiệu quả quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi
- Thứ ba - 28/05/2019 05:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhận thức của người dân ngày càng tăng lên trong quản lý, sử dụng chất thải chăn nuôi. Ảnh: MĐ. |
Theo đó, dự án đã phối hợp với Đài PT-TH Bến Tre thực hiện 20 phóng sự truyền hình, 23 phóng sự phát thanh, 12 tin bài đăng trên Báo Đồng Khởi để tuyên truyền về nội dung, mục tiêu, chính sách của dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp; phối hợp với cơ quan đoàn thể: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân các cấp tổ chức 45 lớp hội thảo về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi; chống quá tải hầm khí sinh học; sử dụng an toàn và triệt để khí gas thừa cho hơn 1.600 người tham dự.
Tổ chức 184 lớp tập huấn cho trên 6.900 người tham gia dự án xây dựng công trình khí sinh học về kiến thức quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi và kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sử dụng an toàn công trình khí sinh học.
Nhiều công trình khí sinh học đã mang lại hiệu quả thiết thực, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời vừa tăng thu nhập cho người nông dân thông qua việc tận dụng các sản phẩm từ hầm khí sinh học để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, khí gas làm chất đốt phục vụ sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, đồng thời góp phần thiết thực để địa phương xây dựng tiêu chí môi trường để đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Tại huyện Mỏ Cày Bắc, ông Cao Tiến Lũy, kỹ thuật viên của dự án LCASP Bến Tre cho biết: “Dự án được triển khai từ năm 2014 đến nay, có hơn 1.400 công trình khí sinh học được hỗ trợ xây dựng, mỗi mô hình được hỗ trợ 3 triệu đồng. Các hộ dân nuôi bò, heo, gà vịt đều có cơ hội được hỗ trợ xây hầm composite, KT2 lấy khí gas làm chất đốt, chất thải còn lại bón dừa, rau màu, cây ăn trái… góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng ngừa lây lan dịch bệnh”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Mỏ Cày Bắc, toàn huyện hiện có số lượng đàn heo nhiều thứ 2 của tỉnh, dao động khoảng 121.000 con, hơn 1,1 triệu gia cầm, 10.000 con bò với 8.400 hộ chăn nuôi. Vì vậy lượng chất thải rất lớn, nếu không tận dụng sẽ mất đi nguồn tài nguyên quý giá cũng như gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng và ngành chăn nuôi.
Ông Ôn Văn Hùng ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: “Gia đình đang chăn nuôi 50 heo nái sinh sản, 300 heo thịt. Mỗi ngày sử dụng khoảng 7 m3 nước cộng với lượng chất thải rất lớn. Trước đó, tôi cũng đã được dự án hỗ trợ, hướng dẫn xây 3 hầm biogas (khoảng 100 m3), máy bơm kết hợp lấy chất đốt, phần chất thải còn lại phân hủy theo thời gian nên giảm hẳn ô nhiễm. Hiện mỗi tháng tôi đều sử dụng chất thải của hầm gas để bón cho vườn dừa khoảng 2ha mà không cần phải mua phân hóa học rải thêm. Tính kỹ ra mỗi năm tôi không phải tốn khoảng 20 triệu tiền phân bón”.
Tiếp tục xây 300 công trình khí sinh học Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Giám đốc LCASP Bến Tre cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền về mục tiêu, nội dung hoạt động của dự án, về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi; hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp các bon thấp. Tổ chức các lớp tập huấn vận hành công trình khí sinh học, đảm bảo môi trường trong chăn nuôi cho nông dân tham gia dự án. Xây dựng 300 công trình khí sinh học quy mô nhỏ và hỗ trợ tài chính kịp thời cho các công trình xây dựng xong. Đặc biệt, năm nay dự án chú trọng thực hiện mô hình sử dụng nước xả bể khí sinh học làm phân bón cho cây trồng (rau màu, cỏ, cây ăn trái) qui mô nông hộ”. MĐ |