Hiệu quả từ mô hình rau hữu cơ thôn Bái Thượng (Hà Nội)
- Thứ hai - 20/03/2017 21:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở đây, bà con trồng các loại cây rau củ theo mùa để phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày của người dân địa phương cũng như của cư dân nội thành Hà Nội. Hiện nay, toàn thôn Bái Thượng có năm nhóm sản xuất sau an toàn trên tổng diện tích 1,2 ha. Sản phẩm rau hữu cơ thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân chủ yếu được cung cấp cho ba đơn vị: Công ty Hanoi Organic Roots, Công ty TNHH Vinagap (hệ thống cửa hàng Bác Tôm), hệ thống cửa hàng Tràng An. Mỗi tuần, Công ty Hanoi Organic Roots có hai buổi thu mua sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân với số lượng khoảng 200kg/buổi. Còn hệ thống cửa hàng Bác Tôm thì thu mua hàng ngày, mỗi ngày lấy khoảng vài chục kg. Tất cả các loại rau hữu cơ Thanh Xuân được bán “đồng giá” 15 nghìn đồng/kg. Vườn rau hữu cơ của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung có tổng diện tích 4.000m2. Vườn rau hữu cơ luôn được bao chung quanh bởi một loại cỏ thân cao để ngăn chặn tối đa ảnh hưởng của môi trường. Ngoài ra, trong khu vực sản xuất rau, có các loại cây dẫn dụ như các cây họ cúc được trồng giúp hạn chế các loài sâu bọ hại rau củ quả… Các loại phân bón hóa học, các chất kích thích sinh trưởng và các sản phẩm biến đổi gien đều không được phép sử dụng trong ruộng rau hữu cơ. Thay vào đó, người nông dân sử dụng các loại phân bón được ủ từ các loại cây, sản phẩm thải của gia súc, gia cầm để bón cho rau, bảo đảm cho rau được cung cấp chất dinh dưỡng một cách tự nhiên. Người nông dân luôn phải trồng luân canh, xen canh các loại rau hữu cơ để góp phần giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Công việc trồng rau hữu cơ khiến người nông dân phải mất nhiều thời gian và công sức hơn so với khi trồng các loại rau thông thường khác. Người nông dân phải bắt sâu và làm cỏ theo cách thủ công do không được phép sử dụng thuốc trừ sâu và các chất hóa học hỗ trợ. Thời gian sinh trưởng của rau hữu cơ dài hơn hẳn so với rau được sản xuất thông thường, điều này cũng khiến cho việc trồng rau hữu cơ mất nhiều công hơn. Bà Nguyễn Thị Nhung, 49 tuổi, một trong những nông dân thôn Bái Thượng tham gia trồng rau hữu cơ cho biết, ngày nào cũng ra ruộng từ sáng sớm, có hôm 10 giờ tối mới ăn cơm vì sau khi thu hoạch rau về còn phải nhặt và đóng gói để kịp chuyển lên hợp tác xã của Hội Nông dân. Cũng có đợt thu hoạch phải thuê thêm nhân công để hỗ trợ công đoạn sơ chế. Bà Nguyễn Thị Lan, 53 tuổi, một cư dân của thôn cho biết thêm, vào thời điểm mới bắt đầu thực hiện mô hình rau hữu cơ, bà con thường xuyên phải tập huấn kỹ thuật để bổ sung kiến thức về trồng rau hữu cơ. Phải ghi nhật ký cấy giống, chăm sóc, thu hoạch rau. Mô hình rau hữu cơ không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn nông sản an toàn mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc và bảo đảm sức khỏe cho chính người nông dân tham gia sản xuất do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu độc hại. Trồng rau hữu cơ cũng giúp người nông dân thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân có thu nhập ổn định hơn so với trồng rau thông thường. Theo tính toán ban đầu, gia đình của bà Nguyễn Thị Nhung có thu nhập khoảng từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này cũng bảo đảm cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình. Từ khi tham gia vào nhóm sản xuất rau hữu cơ, gia đình bà tháng nào thu hoạch nhiều thì được khoảng 1 tấn rau, ít cũng được khoảng 700 kg, vừa có thu nhập ổn định, vừa được môi trường trong lành. “Tùy tốc độ sinh trưởng và thu hoạch của mỗi loại rau sẽ quyết định có phải mua giống mới thường xuyên hay không. Một túi giống 0,5 g có giá tùy thuộc từng loại theo từng thời vụ - có loại 60 nghìn đồng, loại 80 nghìn đồng... Để trồng một luống dưa chuột thì cần khoảng 20 nghìn – 30 nghìn đồng tiền giống, một luống như thế sẽ cho thu hoạch khoảng 50 – 70 kg dưa chuột”, bà Nhung chia sẻ khi được hỏi về chi phí giống trong trồng rau hữu cơ. Từ năm 2008 đến năm 2012, mô hình sản xuất rau hữu cơ ở thôn Bái Thượng nói riêng và của xã Thanh Xuân nói chung đã nhận được sự hỗ trợ phối hợp từ tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu Á và Hội Nông dân Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay, mô hình chuyển sang giai đoạn “tự túc”. Nói về hướng phát triển cho mô hình sản xuất rau hữu cơ trên toàn xã Thanh Xuân, bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân cho biết, Hội Nông dân xã sẽ tăng cường tham mưu, phối hợp với lãnh đạo địa phương để mở rộng vùng sản xuất rau hữu cơ đã được quy hoạch, mở rộng liên kết giữa các nhóm sản xuất và các công ty thu mua, xây dựng hệ thống sơ chế, chế biến và vận chuyển tới người tiêu dùng chuyên nghiệp hơn. |