Hiệu quả từ phương pháp cấy lúa mới
- Thứ hai - 13/02/2017 20:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
|
Theo đó, tùy theo giống lúa, người cấy sẽ giảm số khóm từ 25 đến 35 khóm/m2 theo công nghệ cấy dày (SRI) xuống còn 6 đến 16 khóm/m2 nhưng lại cho năng suất tăng từ 20 đến 60%, tương ứng 1,5 đến 4 tấn/ha so với SRI, đồng thời do tiết kiệm được chi phí nên giảm 50% giá thành (từ 4.500 đến 5.800 đồng/kg theo SRI, xuống còn 2.000 đến 2.800 đồng/kg). Nhờ vậy, lợi nhuận bình quân từ mỗi héc-ta lúa/vụ tăng gấp 6 đến 10 lần so với cấy dày 40 - 50 khóm/m2.
Theo ông Chu Văn Tiệp, một trong những chủ nhân của “công trình khoa học” này, để nâng cao hiệu quả của cách cấy mới, các nhà khoa học “chân đất” đã áp dụng hai “phát minh”: quy luật hiệu ứng tối ưu hàng biên và quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm của mọi giống lúa. Theo đó, quy luật hiệu ứng tối ưu hàng biên sẽ làm tăng số hạt chắc bình quân/bông tối thiểu 20% (ở các giống bảo thủ), 30 - 35% (ở các giống nhạy cảm); và 40 - 60% (ở các giống rất nhạy cảm) so với gieo cấy theo SRI. Quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm cho phép đạt 13 - 15 bông/khóm (ở các giống đẻ ít); trên dưới 20 bông/khóm (ở các giống đẻ trung bình); 25 - 35 bông/khóm (ở các giống đẻ khỏe); trong khi gieo cấy theo SRI 25 - 35 khóm/m2 chỉ cho bình quân 4 - 6 bông/khóm (ở giống đẻ yếu); 7 - 10 bông (ở giống đẻ trung bình và khỏe).
Phương pháp cấy mới cho phép tăng 2 - 5 lần số bông/khóm so với SRI và chỉ cần cấy 6 - 16 khóm/m2 (tùygiống) vẫn cho số bông/m2 bằng hoặc cao hơn số bông/m2 theo SRI. Nhưng do số hạt chắc bình quân/bông của công nghệ cấy mới tăng 20 - 60% so với cấy theo SRI, do đó năng suất lúa tăng đột biến. Ngoài ra phương pháp gieo cấy mới còn giúp giảm 50 - 70% sức lao động ở tất cả các khâu canh tác; giảm 30 - 40% phân bón; 50 - 70% thuốc trừ sâu... Trong đó riêng công cấy đã giảm từ 3,5 đến 5,5 triệu đồng/ha.
Nhờ hiệu quả từ phương pháp cấy mới mang lại, sau hơn ba năm triển khai thực hiện, từ ba hộ đầu tiên ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) tham gia, đến nay công nghệ mới đã được áp dụng ra toàn tỉnh, đồng thời đã có 15 tỉnh, thành phố yêu cầu được học hỏi, hướng dẫn, với số hộ nông dân lên tới hàng chục nghìn hộ. Trong đó nhiều huyện đã ra chủ trương áp dụng công nghệ mới trong toàn huyện.