Hiệu quả từ thực tế

Hiệu quả từ thực tế
Việc TP. Hồ Chí Minh đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi, đồng thời chủ động dùng ngân sách để hỗ trợ người dân vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua đạt được kết quả rất lớn. Cách làm này vừa giúp hàng ngàn hộ dân, hợp tác xã, DN được hưởng lợi, vừa giúp các TCTD tăng trưởng tín dụng ở khu vực kinh tế tam nông.
 
Ảnh minh họa  

Tháng 4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP (NĐ 41) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và triển khai đồng loạt việc cho vay ưu đãi trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, do những quy định còn hạn chế trong cách phân định đối tượng được vay khu vực ranh giới nông thôn, thành thị nên một số địa phương tại TP. Hồ Chí Minh không tiếp cận được nguồn vốn này. Thêm vào đó, do NĐ 41 giới hạn mức cho vay tín chấp 50 triệu đồng, 100 triệu đồng và 500 triệu đồng đối với hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, vì thế cho vay theo NĐ 41 tại TP. Hồ Chí Minh không lớn.

Nhận thức được hạn chế này, đồng thời chủ trương đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tháng 6/2011 UBND thành phố ban hành Quyết định 36/2011/QĐ-UBND (QĐ 36) quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Theo Quyết định này, ngân sách TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ 60% lãi suất vay NH đối với các hộ dân, hợp tác xã vay vốn để phát triển các ngành nghề nông nghiệp. Các hộ thuộc diện giảm nghèo thì mức hỗ trợ lên tới 100% lãi suất vay thực tế.

Sau hai năm triển khai QĐ 36 (2011-2012), ghi nhận của Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh cho thấy có hơn 7.500 hộ gia đình, trang trại, DN được vay vốn hỗ trợ để sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản với lãi suất chỉ 2-3%/năm. Tổng nguồn vốn mà các TCTD cho vay ước khoảng 3.170 tỷ đồng, trong đó số vốn hỗ trợ lãi suất khoảng 1.800 tỷ đồng.

Năm 2013, qua thực tiễn nhận thấy một số quy định của QĐ 36 khó triển khai trên thực tế như quy định tỷ lệ nội địa hóa của máy móc nông nghiệp, quy định tính lãi suất để tính tỷ lệ hỗ trợ…, UBND TP. Hồ Chí Minh thay thế QĐ 36 bằng Quyết định 13/2013/QĐ-UBND (QĐ 13).

Theo QĐ mới này, lãi suất để tính hỗ trợ lãi vay được tính bằng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 NHTM Nhà nước trên địa bàn thành phố (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) công bố hàng tháng cộng thêm 2%/năm. Như vậy, khi vay vốn tại các TCTD với mức lãi suất khoảng 10%/năm thì người dân chỉ phải trả lãi 2-4%/năm, số còn lại được ngân sách hỗ trợ cấp bù cho NH.

Ghi nhận ở các chi nhánh Agribank tại quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn có thể thấy, sau khi TP. Hồ Chí Minh triển khai cho vay theo QĐ 13, lượng khách hàng vay vốn để phát triển sản xuất chăn nuôi, chuyển đổi kinh tế nông nghiệp tăng mạnh mẽ.

Tại chi nhánh Agribank Xuyên Á (quận 12), chỉ trong vòng từ 2013 đến nay có khoảng 200 hộ gia đình vay vốn để đầu tư trồng hoa lan, cây cảnh, sản xuất cá cảnh và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổng số vốn vay đạt gần 150 tỷ đồng.

Trong khi đó tại chi nhánh Agribank Thủ Đức, riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng 50 tỷ đồng vốn rẻ được giải ngân cho các hộ trồng mai và nuôi ươm cá giống. Nhiều hộ thông qua nguồn vốn vay từ chương trình đã mở rộng cơ sở đầu tư trồng mai ghép, nuôi cấy mô phong lan, sản xuất cá cảnh, cá nuôi giống… có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, dư nợ vay hàng chục tỷ đồng.

Trong tổng kết chương trình cho vay theo QĐ 13, mới đây, Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ trong vòng 8 tháng đầu năm 2014 đã có trên 1.800 hộ được các TCTD duyệt cho vay vốn, tổng số vốn vay gần 570 tỷ đồng. Nếu tính lũy kế từ khi có QĐ 36 đến nay đã có khoảng 12.000 hộ dân được vay vốn, trung bình mỗi hộ vay được từ 300-500 triệu đồng.

Như vậy, có thể thấy rằng việc TP. Hồ Chí Minh đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi, đồng thời chủ động dùng ngân sách để hỗ trợ người dân vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua đạt được kết quả rất lớn. Cách làm này vừa giúp hàng ngàn hộ dân, hợp tác xã, DN được hưởng lợi, vừa giúp các TCTD tăng trưởng tín dụng ở khu vực kinh tế tam nông.

Trong bối cảnh cả nước thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào đặc thù từng địa phương, thiết nghĩ những quyết định tương tự như QĐ 36, QĐ 13 của TP. Hồ Chí Minh cần được nhân rộng, sáng tạo ra các địa phương, nhất là các thành phố có mức độ đô thị hóa nhanh để tăng thêm hiệu quả cho quá trình chuyển dịch từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp ngày càng có giá trị kinh tế cao.

Theo thoibaonganhang