Hồ tiêu Việt Nam: Làm sao giữ “ngôi vương”?
- Chủ nhật - 13/11/2016 10:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diện tích hồ tiêu đang phát triển quá “nóng”.
Kỳ I: Những cảnh báo
Sự phát triển quá “nóng” của hồ tiêu thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy: dịch bệnh bùng phát nhanh và diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch cây trồng của nhiều địa phương, ảnh hưởng đến diện tích rừng...
Cây trồng có kim ngạch xuất khẩu lớn
Hiện, Việt Nam có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu gồm: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Gia Lai. Trong đó, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đứng đầu về diện tích, năng suất và sản lượng. Ngoài ra, còn có các vùng trồng tiêu khác như Phú Quốc (Kiên Giang) đã có thương hiệu lâu nay và vùng trồng hồ tiêu ở Quảng Trị,...
Trong 10 năm qua, diện tích hồ tiêu nước ta tăng khá nhanh, từ 49.100ha năm 2005, lên đến 101.623ha năm 2015, tăng 52.523ha (206,97%), trong đó vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chiếm 93,5%. Năm 2015, diện tích hồ tiêu tăng 16.032ha so với năm 2014, vượt 51.622ha so với quy hoạch.
Năng suất hồ tiêu không ngừng tăng, nếu năm 2005 chỉ đạt bình quân 20,4 tạ/ha thì đến năm 2015 đã đạt 26,1 tạ/ha; vùng Tây Nguyên có năng suất bình quân hồ tiêu cao nhất nước, 30,9 tạ/ha. Sản lượng hồ tiêu nước ta đạt 176.789 tấn, trong đó các tỉnhTây Nguyên và Đông Nam Bộ chiến trên 95%. Năm 2015, sản lượng hồ tiêu Việt Nam chiếm 32% sản lượng thế giới.
Năm 2015, nước ta xuất khẩu 133.569 tấn hồ tiêu, chiếm 45,59% lượng xuất khẩu thế giới, kim ngạch đạt 1,276 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2014. Chín tháng đầu năm 2016, sản lượng xuất khẩu đạt 146.000 tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2015; kim ngạch 1,185 tỷ USD, tăng 13,106%. Đến nay, hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.Trong 15 năm liên tục từ năm 2000 đến nay, Việt Nam sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đứng hàng đầu thế giới, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu của thế giới.
Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu. Hiện, 95% tổng lượng sản xuất để phục vụ xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kýHiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, dù chỉ chiếm khoảng 5% diện tích trong tổng số gần 2 triệu hecta của 5 loại cây công nghiệp chủ lực nhưng hồ tiêu lại chiếm trên 10% giá trị xuất khẩu, và là cây trồng đạt giá trị cao nhất trong các cây trồng xuất khẩu.
Một vài cảnh báo
Mặc dù có sản lượng và thị trường lớn nhưng ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó, sự phát triển nóng về diện tích và tình trạng lạm dụng thuốc BVTV đang để lại nhiều nguy cơ.
Ngày 12/5/2015, Hiệp hội Gia vị châu Âu từng cảnh báo dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu đối với tiêu đen Việt Nam. Thông báo số 3294/TB-BNN-HTQT ngày 24/4/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề cập đến việc lạm dụng thuốc BVTV đã gia tăng dư lượng trên tiêu đen, cảnh báo EU và Hoa Kỳ sẽ tạm đình chỉ nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam nếu tình trạng trên không được khắc phục.
Trên thực tế, phần lớn nông dân trồng tiêu đã nắm bắt kỹ thuật canh tác hồ tiêu và đạt được những tiến bộ rõ rệt, nhiều vườn cho năng suất cao nhưng vẫn còn nhiều hộ canh tác chưa hợp lý như bón phân không cân đối, bón thừa đạm, chưa quan tâm đến phân hữu cơ; nhiều vườn bón phân không phù hợp với yêu cầu theo giai đoạn của cây; không quan tâm đến thoát nước mưa, gây úng cục bộ; không chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch hại tổng hợp (IPM); có xu hướng lạm dụng hóa chất phòng trừ bệnh đến mức cảnh báo và nếu tiếp tục sẽ phương hại đến chất lượng hạt tiêu xuất khẩu.
“Thời gian qua, các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến nhưng vấn đề mấu chốt để có chất lượng tốt phải từ khâu nguyên liệu sản xuất. Nếu tình hình không được cải thiện, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đi xuống. Đặc biệt, khi Cục Quản lý thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang chuẩn bị ban hành một số quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá nông sản vào Mỹ, trong đó có hồ tiêu Việt Nam, lúc đó với diện tích mở rộng ồ ạt lại thiếu kiểm soát chất lượng như hiện nay, nguồn cung hồ tiêu của nước ta sẽ dư thừa, gây rủi ro lớn cho hàng ngàn hộ nông dân”, bà Oanh cảnh báo.
Sự phát triển quá “nóng” về diện tích, vượt xa so với quy hoạch đã được phê duyệt, cũng để lại nhiều hệ lụy. Theo quy hoạch phát triển sản xuất hồ tiêu tại Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT, ngày 27/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, diện tích hồ tiêu nước ta là 50.000ha nhưng đến nay đã là 101.623ha.
Ở các địa phương, cây hồ tiêu đang lấn dần diện tích của những cây trồng khác, phá vỡ quy hoạch trồng trọt.
Theo bà Trần Thị Hiến, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đang tăng chóng mặt. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích trồng tiêu của tỉnh ở mức 8.300ha; trong đó, tập trung ở huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc với khoảng 6.100ha, còn lại là ở TP.Bà Rịa, huyện Tân Thành và huyện Đất Đỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích tiêu của tỉnh đã đạt 11.163ha, vượt quy hoạch gần 3.000ha. Trong đó, nhiều xã không nằm trong quy hoạch cũng vẫn đang được nông dân mở rộng diện tích hồ tiêu.
Một cán bộ nông nghiệp của huyện Châu Đức cho biết, lợi nhuận từ trồng tiêu quá rõ nên nông dân sẵn sàng phá rừng cao su, càphê và các cây trồng khác để thay bằng tiêu.
Tại Đắk Lắk, theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh này sẽ có khoảng 15.000ha hồ tiêu để đảm bảo sản lượng khoảng 30.000 tấn tiêu đen. Tuy nhiên, mới giữa năm 2015, diện tích tiêu toàn tỉnh đã lên đến hơn 16.000ha và dự báo hết năm tăng thêm 2.000ha nữa.
Một cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, chưa có thống kê chính thức về diện tích cà phê, cao su bị đốn hạ để trồng tiêu. Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt chuyển đổi toàn bộ diện tích đất (cao su, cà phê) sang trồng tiêu hết sức nguy hiểm vì sẽ không có nguồn thu trong 2-3 năm đầu, cây tiêu dễ chết hàng loạt trong khi đầu tư ban đầu quá lớn. Thực tế, hai năm 2014-2015, Đắk Lắk có gần 2.000ha tiêu bị nhiễm bệnh, hàng trăm hecta tiêu chết hàng loạt.
Công tác nghiên cứu giống hồ tiêu chưa tương xứng với tình hình phát triển của ngành; công tác tuyển chọn, nhập nội, khảo nghiệm giống năng suất cao, chất lượng hạt tốt, chống chịu dịch hại chưa được triển khai có hệ thống. Gần đây, một số hộ trồng tiêu ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên dựa vào tin đồn đã trồng giống hồ tiêu ghép trên gốc tiêu dại có nguồn gốc từ Nam Mỹ chưa được các cơ quan chức năng nghiên cứu, khuyến cáo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sản xuất; một bộ phận nông dân tại một số vùng vẫn trồng giống tiêu có năng suất thấp, kháng sâu bệnh kém (như giống tiêu Tiên Phước).
Hệ lụy của việc trồng giống tiêu kém chất lượng đã hiện hữu, các hộ trồng hồ tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải chịu một “quả đắng” khi cách đây vài năm mua giống hồ tiêu ghép với gốc tiêu dại (giống tiêu có gốc ghép từ cây tiêu dại Amazon - Nam Mỹ với dây tiêu Vĩnh Linh - Quảng Trị).
Ông Trần Đức Sinh (ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho biết, cách đây 5 năm, vườn tiêu 1,1ha của ông liên tục bị bệnh chết nhanh, trong khi thời điểm đó tiêu bắt đầu “sốt giá” khiến ông như “ngồi trên đống lửa”. Được người quen giới thiệu về giống hồ tiêu ghép, gia đình ông quyết định mua 1.200 gốc, với giá 25.000 đồng/gốc để trồng thay thế trên diện tích nói trên. Nhưng đến nay, tiêu không ra bông, hoặc có ra bông thì không đậu trái và cho trái rất ít. Theo Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, trên địa bàn huyện có nhiều hộ trồng giống tiêu ghép, tập trung ở xã Hòa Hiệp với khoảng 20 hộ trồng giống tiêu này, diện tích gần 10ha.
Những hệ lụy từ việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu đã được cảnh báo nhưng đáng tiếc, do lợi nhuận quá cao nên cơn sốt trồng tiêu ở nhiều địa phương vẫn chưa hạ nhiệt. Nếu ngành chức năng các địa phương không có các biện pháp quyết liệt, rất có thể nông dân sẽ phải chịu nhiều quả đắng trong tương lai.