Hỗ trợ giảm nghèo: Quan trọng là cho “cần câu”
- Thứ hai - 20/02/2017 21:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. |
Cơ hội thoát nghèo
Một loạt những giải pháp tạo nguồn lực, phục vụ công tác giảm nghèo bền vững như: Chính sách về đất đai, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về y tế, giáo dục…; đặc biệt, việc ra đời và hoạt động hiệu quả suốt 15 năm qua của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là những hoạt động ý nghĩa, tạo cơ hội giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Thực tế, gốc rễ của giảm nghèo là phải cải thiện thu nhập và kích thích ý thức tự vươn lên của các hộ dân, hạn chế tình trạng ỷ lại, hay nói cách khác là cho “cần câu” hơn cho “con cá”. Những năm qua, các nhóm chính sách tín dụng được ban hành đã có tác dụng tích cực, thu hút được nhiều hộ nghèo tham gia vay vốn tạo việc làm, cải thiện đời sống.
Đến thăm hộ chị Trần Thị Hoa, thôn Xuân Đồng, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn với nhiều vật dụng giá trị, nhà cửa sạch sẽ, ấm cúng, ít ai biết gia đình chị từng là một trong những hộ nghèo, khó khăn trong thôn. Chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con nhỏ, bố mẹ chồng đau yếu, nhưng nhờ sự giúp đỡ của người thân, vốn vay hộ nghèo từ NHCSXH huyện, chị Hoa đầu tư vào chăn nuôi lợn, trồng nấm kết hợp kinh doanh thóc, gạo... đến nay, gia đình đã thực sự thoát nghèo và có khả năng vươn lên làm giàu.
Còn tại huyện Phú Xuyên, theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Lương Văn Luật: Là huyện thuần nông, đời sống của nhiều hộ còn khó khăn nhưng nhờ đồng vốn chính sách, ngày càng có nhiều tấm gương điển hình tự lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hiện, nguồn vốn quản lý và huy động tại Chi nhánh NHCSXH huyện đạt hơn 222 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2016, vốn chính sách đã giúp cho hơn 1.000 hộ nghèo, cận nghèo và 757 hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh.
Vào cuộc đồng bộ
Kinh nghiệm cho thấy, để công tác giảm nghèo hiệu quả, rất cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Đến hết năm 2016, trên địa bàn cả nước đã có 4 tổ chức hội, đoàn thể cùng tham gia quản lý 189.000 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ nhận ủy thác là 155.297 tỷ đồng. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quản lý 72.090 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 61.406 tỷ đồng; Hội Nông dân quản lý 61.671 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 50.550 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh quản lý 31.755 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 24.217 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quản lý 24.033 tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ 19.124 tỷ đồng.
Ngoài Hội sở chính, NHCSXH thành phố đã có 27 phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện, thị xã trực thuộc với 559 điểm giao dịch cấp xã. Các hội, đoàn thể đã xây dựng được 7.520 tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động tại các thôn, bản, cụm dân cư. Mạng lưới hoạt động của chi nhánh đã bao phủ toàn địa bàn Hà Nội. Không chỉ nòng cốt là các hội, đoàn thể tham gia chuyển tải vốn chính sách đến với hộ nghèo mà trưởng thôn, chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn cũng tham gia vào việc điều hành, giám sát việc đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đến nay, 100% hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố đủ điều kiện vay vốn phát triển sản xuất đã được đáp ứng.
Giám đốc NHCSXH thành phố Nguyễn Kim Phung cho biết: Xác định công tác giảm nghèo là việc làm lâu dài, trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm trợ lực cho các hộ mới thoát nghèo được vay vốn thêm từ 1 đến 2 chu kỳ. Bởi, thực tế, người nghèo luôn đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp, làng nghề gặp nhiều khó khăn. Để công tác này tiếp tục đạt kết quả cao, Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, cận nghèo gắn với các chương trình, phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của thành phố như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xây dựng vùng chuyên canh sau dồn điền đổi thửa, chương trình phát triển làng nghề…
Để giúp người dân sử dụng đồng vốn chính sách hiệu quả còn rất cần sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của các lực lượng như: Khuyến công, khuyến nông, bảo vệ thực vật, nâng cấp cơ sở hạ tầng... làm tiền đề phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa để cùng với đồng vốn ưu đãi, hộ nghèo đủ điều kiện tự thân vươn lên thoát nghèo.