Hỗ trợ nông dân hội nhập bằng hoạt động kinh tế

Hỗ trợ nông dân hội nhập bằng hoạt động kinh tế
“Để thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế, Hội NDVN phải tổ chức tập hợp nông dân dựa trên một số hoạt động kinh tế chứ không thể thuần túy tập hợp nông dân bằng cách tuyên truyền suông…”- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh yêu cầu này trong buổi làm việc với T.Ư Hội NDVN chiều 1.12, tại Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước; lãnh đạo Thường trực, Ban Thường vụ; lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội NDVN; lãnh đạo Hội ND một số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Ba nội dung mà Hội NDVN báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi làm việc  gồm: Tình hình nông dân (ND); hoạt động của Hội NDVN; kết quả thực hiện Kết luận số 61/2009 (KL 61) của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Quyết định số 673 (QĐ 673) của Thủ tướng Chính phủ.

ND còn nhiều khó khăn

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN đã báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về tình hình nông dân (ND) và hoạt động của Hội NDVN. Ông Nguyễn Quốc Cường nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng và những thành tựu nổi bật của lĩnh vực nông nghiệp, ND, nông thôn trong thời kỳ đổi mới và khẳng định: ND luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ, vui mừng trước những thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống ND.

Tuy nhiên, người đứng đầu tổ chức Hội NDVN cũng phản ánh, hiện nay tâm trạng ND vẫn còn nhiều băn khoăn, bức xúc khi một số chính sách về nông nghiệp, ND, nông thôn chưa thực sự vào cuộc sống và chưa mang lại lợi ích thiết thực cho ND. ND chưa được hưởng lợi tương xứng với những công sức lao động cũng như những chính sách mà Đảng và Nhà nước đề ra. ND còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Tâm trạng này thể hiện ở một số vấn đề như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp triển khai thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ. ND thiếu vốn và khó tiếp cận vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu kỹ năng sản xuất. Sản xuất của ND vẫn tự phát, phân tán, manh mún, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao... ND đang thiếu được liên kết, thiếu hướng dẫn chung về định hướng và quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại sản phẩm, lo lắng về tác động biến đổi khí hậu và một số khó khăn khác...

Báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về hoạt động của Hội NDVN, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về nông nghiệp, ND, nông thôn, các cấp Hội NDVN đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; lấy lợi ích kinh tế để tập hợp ND vào tổ chức Hội; gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục, vận động, đoàn kết, tập hợp ND vào tổ chức Hội đi đôi với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ hội viên, ND  phát triển sản xuất, nâng cao đời sống...

Gần 2.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ ND

Về kết quả 5 năm thực hiện KL61 của Ban Bí thư (về Đề án ”Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”), Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường cho biết, Hội NDVN đã tổ chức, mở rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ ND; vận động, hướng dẫn ND tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp NDVN.

Về việc thực hiện QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ, trong 4 năm (2012- 2015), Hội NDVN được cấp 623,65 tỷ đồng cho 28 dự án xây mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND cấp tỉnh, đến nay đã có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các trung tâm này đã được khai thác, sử dụng có hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác dạy nghề và hỗ trợ ND.

Cũng sau 3 năm thực hiện QĐ 673, Quỹ Hỗ trợ ND đã được đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tổng nguồn Quỹ HTND 3 cấp hiện đạt hơn 1.985 tỷ đồng. Quỹ HTND các cấp đã giúp trên 380.000 lượt hộ ND tham gia các nhóm hộ sản xuất, kinh doanh, với số vốn quay vòng đạt trên 5.200 tỷ đồng; xây dựng được 2.807 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm...

Đa dạng các phương thức dạy nghề

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Thường trực T.Ư Hội NDVN và Hội ND một số tỉnh, thành phố đã phát biểu ý kiến, tiếp nối báo cáo do Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường trình bày, và kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số vấn đề liên quan đến tiêu thụ nông sản, chính sách đất đai, chuyển giao khoa học công nghệ cho ND.  

 

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận, đánh giá cao vai trò và kết quả công tác của Hội NDVN. Hội đã chỉ đạo các cấp Hội từ T.Ư đến cơ sở (với trên 10,5 triệu hội viên đại diện cho lực lượng ND chiếm gần 70% dân số của cả nước), phát huy truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên phát triển sản xuất, chăm lo đời sống, xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch nước ghi nhận sự phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, ND, nông thôn; KL 61 của Ban Bí thư T.Ư Đảng và QĐ 673 của Thủ tướng Chính phủ...

Để ND  thích ứng được với môi trường hội nhập quốc tế, Chủ tịch nước yêu cầu Hội NDVN tiếp tục tổ chức tập hợp ND dựa trên một số hoạt động kinh tế chứ không thể thuần túy tập hợp ND bằng cách tuyên truyền suông. Hướng tập trung thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề của Hội NDVN thực hiện trong những năm qua cần được phát huy.

Chủ tịch nước yêu cầu, trong thời gian tới, Hội NDVN đa dạng các phương thức dạy nghề cho ND; tham gia xây dựng thương hiệu nông sản, chú ý đến nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất cho ND theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tham gia kêu gọi doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn; tích cực vận động, xây dựng Quỹ Hỗ trợ ND, vận động hội viên, ND góp công, sức xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng, bổ sung chính sách liên quan đến đất đai, phát triển mô hình kinh tế tập thể...

Chủ tịch nước nhất trí với 5 đề xuất, kiến nghị của Hội NDVN liên quan đến các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giao cho một số bộ, ngành nghiên cứu, xem xét giải quyết...  

Giao các bộ, ngành nghiên cứu 5 kiến nghị của Hội NDVN

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhất trí với 5 đề xuất, kiến nghị của Hội NDVN và giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Cụ thể:

-Chủ tịch nước giao Bộ NNPTNT phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá lại hiệu quả các kho chứa hiện có; đề xuất phương án tiếp tục triển hệ thống kho chứa và đầu tư thiết bị xử lý để trữ và bảo quản nông sản ở các vùng chuyên canh về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

-Chủ tịch nước giao Bộ VHTTDL phối hợp Hội NDVN xây dựng Đề án “Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

-Chủ tịch nước giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp Hội NDVN đề xuất phương án cụ thể để Hội tham gia xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới phù hợp với xu hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

-Chủ tịch nước giao Bộ LĐTBXH nghiên cứu đề xuất của Hội NDVN trong quá trình tham mưu tổng kết công tác dạy nghề, đề xuất  giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề.

-Chủ tịch nước giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề xuất của Hội NDVN về đề nghị tăng cường hơn nữa đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp để nông nghiệp nước ta có thể trụ vững và phát triển khi nước ta chính thức tham gia Hiệp định đối tác xuyên thái Bình Dương (TPP).

 

 

Ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN: Đề nghị hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội

Tôi đề xuất Nhà nước nên ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ ND tham gia bảo hiểm xã hội, để người ND có “lương  hưu” khi về già như công nhân. Cụ thể, tôi đề nghị Nhà nước hỗ trợ 1/3 tiền bảo hiểm xã hội cho ND, còn 2/3 họ tự đóng. Qua khảo sát cho thấy, nhu cầu của người ND đóng bảo hiểm xã hội rất cao.

Ông Nguyễn Văn Quý –  Chủ tịch Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc:  Cấp thêm ngân sách  cho Quỹ Hỗ trợ ND

Hiện nay, Nhà nước cấp ngân sách 100 tỷ đồng mỗi năm cho Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ ND T.Ư Hội NDVN. Số tiền này phân bổ cho Quỹ Hỗ trợ ND của 63 tỉnh thành phố thì quá ít. Trong những năm triển khai nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tôi thấy nguồn vốn này có sức lan tỏa mạnh mẽ, hỗ trợ giúp đỡ các hộ dân xây dựng các mô hình làm ăn có hiệu quả kinh tế cao. Tôi đề nghị Nhà nước cấp thêm ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ ND để ND có thêm cơ hội vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất.

Ông Phạm Minh Hùng – Chủ tịch Hội ND Long An:  Đầu tư thỏa đáng  với nông nghiệp

Trong xây dựng nông thôn mới, vai trò của Hội ND với việc tăng cường vận động, phát huy vai trò chủ thể của ND là rất lớn và được nhìn thấy rất rõ. Theo tôi, để phát huy hơn nữa vai trò của hội ND, Nhà nước cần đầu tư thoả đáng vào nông nghiệp, nhất là đối với người ND trồng lúa gắn với vốn và hỗ trợ vốn. Ngoài hỗ trợ vay vốn trực tiếp, cần hỗ trợ vay vốn thông qua các đại lý vật tư nông nghiệp. 

Lê San – Thu Hà (ghi)

 

Một số kết quả nổi bật trong công tác Hội  và phong trào nông dân (2011 - 2015)   (theo báo cáo của T.Ư Hội NDVN ngày 1.12)

Hàng năm có 8,2 triệu hộ đăng ký phấn đấu, có 4,2 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Hội NDVN đã tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp hơn 579.800 hộ ND được vay vốn với dư nợ gần 22.000 tỷ đồng; ủy thác với Ngân hàng Chính sách- Xã hội giúp hơn 2,21 hộ ND nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn với tổng dư nợ 44.641 tỷ đồng.

 Phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ khí, điện và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 10 triệu lượt hội viên, nông dân. Cuộc thi ”Sáng tạo Kỹ thuật nhà nông” thu hút hàng trăm sáng chế, sáng tạo, giải pháp cải tiến kỹ thuật của nông dân.

Tổ chức tuyên truyền được 110.250 cuộc cho hơn 8,82 triệu lượt hội viên, ND về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Trực tiếp và phối hợp tổ chức 3.900 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 127.970 lượt cán bộ Hội; vận động, hướng dẫn thành lập được 14.604 mô hình kinh tế tập thể.

 Bình quân mỗi năm có 9,5 triệu hộ ND đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hoá, trong đó có 8,5 triệu hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá.

Từ 2011-2015, Hội ND các cấp đã phối hợp và trực tiếp tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho 1.684.265 lượt ND, tỷ lệ ND sau  học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 80%.

Từ 2011-2015, Hội NDVN đã kết nạp được trên 2 triệu hội viên mới; nâng tổng số hội viên trên 10,5 triệu người; 100% thôn, ấp, bản có tổ chức Hội ND. 

 T.Ư Hội NDVN tổ chức được 30 lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở Hội với trên 2.700 học viên; 9 lớp bồi dưỡng cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện với 1.351 học viên; 21 lớp bồi dưỡng cán bộ Hội ND cấp tỉnh, huyện với 1.120 học viên; 22 lớp đào tạo trung cấp với 1.621 học viên.  

Theo Dân Việt