Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp cần cơ chế đặc thù

Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp cần cơ chế đặc thù
VOV.VN - Khởi nghiệp trong nông nghiệp khó hơn nhiều so với các loại hình khác bởi đây là lĩnh vực nhiều rủi ro và phải đầu tư lâu dài.

Dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy trong sản xuất với đột phá về ý tưởng sáng tạo và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là điểm chung của các gương nông dân tiêu biểu về khởi nghiệp nông nghiệp năm 2017.

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho biết, việc phát động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp hưởng ứng chương trình “Khởi nghiệp Quốc gia”, góp phần định hướng và hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo ý tưởng kinh doanh của nông dân trong cả nước, nhất là các hội viên nông dân trẻ có đam mê và mong muốn phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao bền vững…

 

ho tro nong dan khoi nghiep can co che dac thu hinh 1
Nhiều mô hình khởi nghiệp của nông dân gặp khó khăn về nguồn vốn.
(Ảnh minh họa: KT)
Tại buổi tọa đàm nông dân khởi nghiệp do Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ khoa học công nghệ tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, khởi nghiệp nói chung ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn, bởi đây là lĩnh vực nhiều rủi ro và phải đầu tư lâu dài…

 

Ông Triệu Phúc Lý, Giám đốc Hợp tác xã Chiến Thắng chuyên thu mua, sơ chế và sản xuất các sản phẩm từ quế ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai – 1 trong 10 gương nông dân tiêu biểu về khởi nghiệp chia sẻ, khởi nghiệp lúc đầu gặp nhiều khó khăn do kinh nghiệm còn hạn chế, đầu ra tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định.

“Ban đầu, khả năng tài chính của hợp tác xã chưa đủ, trong khi để sơ chế 1 tấn quế thành thành phẩm phải mất từ 70 - 80 triệu đồng/tấn. Hiện nay mỗi vụ, hợp tác xã phải sơ chế đến gần 100 tấn quế, do đó rất cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho hợp tác xã vay vốn”, ông Lý mong muốn.

Theo các chuyên gia, bản thân nông dân không thể khởi nghiệp một mình mà cần sự đồng hành của các Bộ, ngành liên quan với các cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc về quỹ đất, nguồn vốn, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cao và cơ sở hạ tầng vật chất đi kèm...

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (CIEM) cho rằng, khởi nghiệp của nông dân đòi hỏi phải thay đổi tư duy về sản xuất, thay đổi cách tiến cận mới đối với những sản phẩm có lợi thế, cũng như thông tin thị trường, có như vậy thì nông dân khởi nghiệp mới thành công.

“Để khởi nghiệp đòi hỏi nông dân phải thay đổi nhận thức và tư duy sản xuất, có ý tưởng sản xuất kinh doanh mới với những mặt hàng hàm chứa giá trị cao về công nghệ. Ngoài nguồn lực về tài chính, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân hiện nay còn hạn chế. Nông dân cần nâng cao nhận thức về pháp luật để hiểu biết áp dụng vào quá trình sản xuất qua đó đảm bảo quyền lợi và lợi ích khi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nhưng Trung tâm thông tin, đổi mới sáng tạo phải kết nối chặt chẽ hơn nữa để hỗ trợ nông dân khởi nghiệp”, ông Thiên chỉ rõ.

Phát động từ tháng 5/2017, đến nay, Trung ương Hội nông dân Việt Nam lựa chọn được 10 trong tổng số 43 gương nông dân khởi nghiệp tiêu biểu đại diện hàng triệu nông dân trên cả nước.

Việc ghi nhận và tuyên dương nông dân khởi nghiệp chào mừng ngày truyền thống Hội nông dân Việt Nam, hưởng ứng phong trào “Khởi nghiệp Quốc gia” do Chính phủ phát động. Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do cơn bão số 10 vừa qua./. 

Theo VOV.vn