Hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp sạch
- Thứ năm - 02/08/2018 06:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Liên kết trong sản xuất
Việt Đoàn là xã thuần nông của huyện Tiên Du. Những năm qua, Hội ND xã đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là việc thành lập mô hình tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Liên Ấp với hơn 110 thành viên tham gia canh tác trên diện tích 20ha. Các thành viên được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng thông qua các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, được hỗ trợ giống, phân bón.
Tham gia mô hình liên kết, nhiều xã viên HTX nông nghiệp Đồng Tâm Đông Sơn ở xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh) có thu nhập từ trăm triệu đồng/năm trở lên. Ảnh: T.H
"Hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể đã mang lại nhiều lợi ích cho hội viên cũng như nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội ND”. Ông Nguyễn Đăng Sâm - |
Đáng chú ý, tham gia tổ hợp tác, các thành viên có được đầu ra ổn định cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Liên Ấp - cho biết: “Tổ hợp tác rau an toàn thôn Liên Ấp được thành lập từ năm 2011 đến nay. Bình quân mỗi năm, tổ hợp tác đứng ra tiêu thụ từ 250 - 350 tấn rau, củ, quả các loại với giá cả ổn định cho các thành viên trong tổ. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn, nên sản phẩm nông nghiệp của tổ hợp tác được tiêu thụ qua các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Bắc Ninh tin dùng. Từ trồng rau an toàn, nhiều hộ có thu nhập khá giả. Trong tổ hợp tác có gần 20 hộ có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm”.
Với diện tích 1 mẫu trồng rau an toàn, mùa nào thức nấy, lúc nào gia đình anh Lê Đắc Long (SN 1974, ở thôn Liên Ấp) cũng có nguồn thu từ việc trồng rau. Anh Long phấn khởi nói: “Trước đây làm theo kiểu nhà nào biết nhà đấy thì hiệu quả không cao, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi tham gia vào tổ liên kết, rau màu của chúng tôi sinh trưởng tốt hơn, thị trường tiêu thụ ổn định. Thu nhập bình quân của mỗi hộ đạt từ 10 triệu đồng/sào/vụ trở lên”.
Còn tại xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, xuất phát từ các hộ trồng măng tây xanh nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm”, hiệu quả kinh tế không cao, đầu ra không ổn định, tháng 10.2013, Hội ND đã hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên hợp nhất lại thành lập Hợp tác xã (HTX) măng tây xanh Thái Bảo. Bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc HTX măng tây xanh Thái Bảo - cho biết: “HTX được thành lập năm 2014. Mặc dù đi lên từ khó khăn, với sự thiếu thốn về công nghệ, kinh nghiệm, kỹ thuật, đến nay HTX đã trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, làm cầu nối giữa các thành viên và các doanh nghiệp. HTX chủ động giúp đỡ thành viên về vốn, quy hoạch diện tích, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hiện nay, HTX Thái Bảo có 9 thành viên tham gia trồng 2,5ha măng tây xanh, số lao động thường xuyên là 15 người, tổng vốn là 2,5 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 1 tỷ đồng, vốn huy động là 1,5 tỷ đồng”.
Đến nay, măng tây xanh xã Thái Bảo là sản phẩm đầu tiên của huyện Gia Bình được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, cũng là cơ sở đầu tiên hình thành theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tìm đầu ra cho sản phẩm cho xã viên.
“Nhờ thực hiện đúng theo quy trình VietGAP, không những giúp cây măng tây sinh trưởng và phát triển tốt mà còn bảo đảm chất lượng đất, nước, hạn chế ô nhiễm môi trường. Măng tây được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP giàu dinh dưỡng, đạt kích thước đồng đều và cho năng suất 22 - 25 tấn/năm. Với giá bán từ 60.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại, sẽ cho lãi khoảng 50 triệu đồng/sào” - bà Trang phấn khởi thông tin.
Theo báo cáo của Hội ND huyện Tiên Du, 5 năm qua, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng, phát triển 312 mô hình kinh tế trang trại tổng hợp và 1 HTX; trong đó có nhiều mô hình trang trại đã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh có tính ổn định, bền vững và hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Đình Khương - Chủ tịch Hội ND huyện Tiên Du - khẳng định: Tham gia mô hình, hội viên được tiếp cận những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Nhờ đó, hội viên yên tâm hơn khi tham gia kinh tế tập thể. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã có gần 59.000 lượt hộ đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, qua bình xét có gần 40.000 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Đẩy mạnh hỗ trợ
Giúp hơn 24.000 lượt hộ ND |
Đến nay, các cấp Hội ND tỉnh Bắc Ninh xây dựng được 254 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 37 HTX và 217 tổ hợp tác. Nhìn chung, các mô hình kinh tế tập thể do Hội hỗ trợ đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, với thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm. Tiêu biểu như mô hình Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở xã Việt Đoàn (Tiên Du), HTX nuôi thỏ Việt - Nhật ở xã Phú Hòa (Lương Tài), HTX măng tây xanh Thái Bảo (Gia Bình), HTX rau sạch Hoàng Gia ở xã Bình Dương (Gia Bình)…
Với mục đích tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, hằng năm Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trong nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh việc giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, hội tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội và hội viên nông dân về vai trò của kinh tế tập thể, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với hoạt động của các mô hình liên kết và hoạt động hỗ trợ nông dân.
Ông Nguyễn Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh - cho biết, hiện Bắc Ninh đang tích cực xây dựng đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, đi đôi với đó là siết chặt, quản lý an toàn thực phẩm, hướng đến sản xuất ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Theo đó, Hội ND tỉnh Bắc Ninh là một trong những đơn vị được UBND tỉnh giao phối hợp tham gia đề án này.
“Thông qua các mô hình kinh tế tập thể, Hội ND đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức vận động tới hộ gia đình nông dân không sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh việc hướng dẫn hội viên, nông dân áp dụng một số kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi để nâng cao chất lượng thực phẩm...” - ông Sâm nhấn mạnh.