Hỗ trợ nông dân tái đàn lợn an toàn, hiệu quả
- Thứ năm - 16/01/2020 02:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
p dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo
Theo Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long, đây là dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất sinh sản tại nông hộ 2019.
Theo đó, mục tiêu của dự án là nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn, tăng cường hiệu quả công tác thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong chăn nuôi, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về công tác giống, chăn nuôi theo hướng VietGAHP. Đồng thời, mô hình góp phần cung ứng một phần lợn giống và sản lượng thịt lợn cho thị trường sau “bão” dịch bệnh tả lợn châu Phi.
Lợn giống chất lượng góp phần tái đàn hiệu quả, an toàn. Trong ảnh: Bàn giao heo giống chất lượng cao cho các hộ tham gia dự án. Ảnh: Lục Long
Theo đó, 8 hộ dân tại 2 xã Phú Quới và Thanh Đức (Long Hồ) được hỗ trợ với quy mô 34 con lợn, trong đó 30 con lợn nái hậu bị và 4 lợn đực giống. Song song đó, dự án tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí thức ăn (2.826kg) và 30% chi phí thuốc thú y cho các hộ tham gia dự án.
Theo đánh giá của Ban quản lý dự án, mặc dù vẫn còn một số hộ chăn nuôi chưa hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy trình chăn nuôi VietGAHP như còn tận dụng chuồng nuôi cũ, khoảng cách chưa đúng quy định, nhưng bù lại, hầu hết các hộ tham gia dự án đều có kinh nghiệm quản lý chăn nuôi lợn nái, lợn đực giống, có nguồn nhân lực tốt, có khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp tinh giống cho các hộ chăn nuôi trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Lục - Trưởng Trạm Khuyến nông TP.Vĩnh Long (phụ trách dự án trên) cho biết, sau thời gian bàn giao con giống, thức ăn, thuốc thú y cho các hộ nuôi, con giống khỏe mạnh phát triển tốt, lợn đực giống, lợn cái giống ngoại đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Lợn cái có khối lượng từ trên 50kg trở lên và lợn đực 90 kg/con trở lên. Lợn được tiêm phòng, kiểm tra chất lượng giống đạt yêu cầu, thuốc thú y đảm bảo chất lượng cơ sở công bố.
Tham gia dự án này, hộ chăn nuôi Phạm Văn Tân (ấp Phước Bình B, xã Phú Quới) chia sẻ, gia đình anh đã đầu tư sửa chữa, xây dựng chuồng trại theo đúng kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, anh chú trọng kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn, nước uống và chú ý tiêm phòng vaccine, vệ sinh thú y và phòng trị bệnh cho lợn. Đặc biệt, duy trì việc ghi sổ theo dõi các hoạt động chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Anh Tân mong muốn với 2 con lợn đực giống dự án hỗ trợ, lợn khỏe mạnh và cung cấp tinh chất lượng để thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn nái tại địa phương, được nhiều người chăn nuôi ưa chuộng.
Mở rộng đàn lợn sinh sản
Để mở rộng quy mô nuôi lợn sinh sản, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long triển khai mô hình chăn nuôi lợn sinh sản với 4 hộ tham gia mô hình trình diễn và 16 hộ có tiềm năng phát triển chăn nuôi lợn tại xã Phú Quới (Long Hồ).
Ông Nguyễn Văn Nghiêm - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Long Hồ, phụ trách dự án, cho biết, dự án này giúp hộ chăn nuôi nâng cao năng suất chất lượng lợn giống, nắm vững kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng lợn con, lợn sinh sản, lợn đực giống, phối giống.
Song song đó, hộ chăn nuôi sẽ nắm vững quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cách phòng trị một số bệnh thường xảy ra trên lợn con, nái, đực giống, góp phần quan trọng vào việc tái tạo đàn lợn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi an toàn, hiệu quả hơn.
TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Vấn đề an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi heo luôn được Bộ NNPTNT quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Trước tình hình diễn biến dịch tả lợn châu Phi vẫn còn phức tạp, nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học đã vượt qua được “cơn bão” này. Điều đó chứng tỏ, chăn nuôi an toàn sinh học là “vũ khí” tối ưu giúp ngành chăn nuôi lợn bảo đảm tính bền vững.
Theo bà Hạnh, dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị. Vì vậy, để khống chế bệnh dịch này và đảm bảo chăn nuôi an toàn, công tác chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp quan trọng nhất hiện nay. Phải thực hiện nghiêm ngặt 3 nguyên tắc cơ bản trong chăn nuôi an toàn: Cách ly – Làm sạch – Khử trùng; Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để tăng sức đề khỏe cho đàn lợn; Tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất giống, đảm bảo nguồn giống không bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Việc tái đàn cần đảm bảo thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tái đàn có kiểm soát.
Các nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học: Nguyên tắc 1: Cách ly, kiểm soát vào/ra khu vực chăn nuôi, cách ly lợn giống. Kiểm soát con người, phương tiện vận chuyển; sát trùng chuồng trại, trang thiết bị dụng cụ. Kiểm soát thức ăn, thực phẩm, tối đa đưa thực phẩm vào trại 1 lần/tuần. Kiểm soát môi trường nuôi, hệ thống cấp nước, khí sạch; và các động vật, côn trùng khác: gia súc thả rông, chuột, côn trùng, ruồi muỗi. Nguyên tắc 2: Vệ sinh, loại bỏ bụi bẩn không nhìn thấy bằng mắt thường. Làm sạch quần áo, chuồng nuôi cả trong và ngoài. Vệ sinh khô, thu gom rác, chất thải; vệ sinh ướt, cọ sạch dụng cụ, chuồng trại, thực hiện sau khi đã vệ sinh khô. Nguyên tắc 3: Tổng vệ sinh khử trùng khi kết thúc 1 lứa nuôi; chỉ sử dụng các chất khử trùng được khuyến cáo. Cuối cùng là xử lý chất thải trong chăn nuôi: lợn bệnh, lợn chết; xử lý chất thải chăn nuôi, bằng cách ủ phân hiếu khí. |
Văn Lục - Thành Long/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/ho-tro-nong-dan-tai-dan-lon-an-toan-hieu-qua-1050365.html