Hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn tín dụng hiệu quả

Hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn tín dụng hiệu quả
Giúp nông dân tiếp cận được vốn tín dụng không chỉ đơn thuần là hạ lãi suất mà cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật trong chương trình tín dụng và nâng cao năng lực kinh doanh cho nông dân.

Ngày 18/3, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

 Thời gian qua, với sự hợp tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – một trong những đối tác quan trọng của JICA, các bên đã cùng nhau triển khai một số chính sách thúc đẩy tín dụng nông nghiệp tại Việt Nam. Từ các kết quả khảo sát mà JICA đã tiến hành liên quan đến những khó khăn, các bên kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như những đề xuất để tháo gỡ, đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp rút ra từ những nghiên cứu tại Lâm Đồng.

Ông Mori Mutsuya, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam nhận định: Lâm Đồng là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đang là địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản hàng hóa.

Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp tại đây chưa thực sự bền vững; sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp và dịch vụ còn hạn chế; giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp thấp… Đặc biệt, việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm hoa và rau củ nói riêng tại Lâm Đồng còn tồn tại nhiều vấn đề trong từng khâu cũng như thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu liên quan.

Đứng trên bình diện chung của việc tiếp cận tín dụng tại nông thôn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, đánh giá: Hiện có khoảng 50% người dân tiếp cận được tín dụng và cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vốn đầu tư; 65% doanh nghiệp thiếu vốn trở thành vấn đề cản trở trong sản xuất kinh doanh, 40% doanh nghiệp cho rằng cần loại bỏ các thủ tục quan liêu…

“Hiện nay ưu đãi tín dụng vẫn nặng theo hướng hạ lãi suất. Nếu hạ lãi suất thì cần quy định rõ ràng, mà quy định càng rõ ràng lại càng khó thực hiện; đồng thời chi phí cho quy định rõ ràng đó, chí phí cho giám sát đó cao lên”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên và có tính đến các chương trình tín dụng đặc thù cho một số lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của ngành. Cùng với đó, toàn ngành sẽ đơn giản hóa thủ tục vay vốn để phù hợp với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả”.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền để mọi người dân ở nông thôn đều nắm bắt được các chủ trương tài chính tín dụng về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp để thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn.

(Theo Chinhphu.vn)