Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản
- Thứ hai - 05/10/2015 20:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã đạt nhiều kết quả. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao hình thành, như lúa hàng hóa chất lượng cao, rau an toàn, cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ, hoa, cây ăn quả ở các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm; chăn nuôi bò thịt, bò sữa, gà đồi tại huyện Ba Vì, nuôi lợn hữu cơ tại huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa... Tuy nhiên, tỷ lệ các nông sản hàng hóa được tiêu thụ trực tiếp còn rất thấp. Người nông dân vẫn phụ thuộc vào thương lái, bị thương lái ép giá, dẫn đến chịu nhiều thiệt thòi.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, hộ gia đình sản xuất miến dong tại thôn Minh Hồng, xã Minh Quang, huyện Ba Vì chia sẻ, gia đình có nghề sản xuất miến dong truyền thống, sử dụng hoàn toàn tinh bột dong riềng được trồng ngay tại vùng đất bãi sông Hồng trong xã, không sử dụng chất bảo quản, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Sản phẩm của gia đình được nhiều người dân địa phương và các xã lân cận tin dùng. Nhiều khách hàng quen thuộc tìm đến tận cơ sở sản xuất đặt mua. Tuy nhiên, từ khi gia đình đầu tư thêm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương thì gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Các thương lái thường xuyên đưa ra lý do đường xa, chi phí nguyên liệu tăng, chất lượng sản phẩm không đều, thậm chí cả nguyên nhân mưa nhiều, đường lầy lội để hạ giá sản phẩm.
Cùng chung tình cảnh này, chị Nguyễn Thị Diện, xã Thái Hòa, huyện Ba Vì cho biết, từ nhiều năm nay, thương hiệu gà đồi Ba Vì, giống gà ri lai với gà mía đã được người chăn nuôi dày công xây dựng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Gia đình chị thường xuyên nuôi từ 800 đến 1.000 con gà, có hợp đồng cung cấp sản phẩm trong cả năm, nhưng vẫn không ít lần bị thương lái ép giá. Khi giá gà trên thị trường tăng thì thương lái đưa ra lý do đã ký hợp đồng, cho nên không thể điều chỉnh giá cả. Còn ngược lại, khi giá gà hạ thì họ tìm mọi cách để xuống giá. Nếu người nuôi không đồng ý thì họ đưa ra lý do nghỉ ốm vài ngày, mà chậm một ngày là tốn kém thêm chi phí thức ăn, để ép giá. Vì vậy, người chăn nuôi buộc phải bán rẻ, chấp nhận thiệt thòi. Hiện tại, do ảnh hưởng từ việc nhập khẩu thịt gà, gia đình chị đã hạ giá bán từ 100 nghìn xuống 80 nghìn đồng/kg, chấp nhận chịu lỗ vốn, nhưng đàn gà 200 con đã quá lứa xuất chuồng hơn mười ngày vẫn chưa bán được. Gia đình chị đã nhắc đến chuyện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với thương lái, nhưng thương lái vẫn tìm mọi cách trì hoãn.
Theo nhận định của Hội Nông dân Hà Nội, các mô hình liên kết còn thiếu bền vững, trong đó phổ biến nhất là tình trạng phá hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp chưa tôn trọng lợi ích của nông dân, không quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi, mà chủ yếu chỉ lợi dụng thế độc quyền để ép giá. Ngược lại, không ít người dân không tôn trọng cam kết, sẵn sàng bán sản phẩm ra thị trường khi giá lên cao… Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của nông dân trong việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nông sản, trong thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn xây dựng thương hiệu và kết nối cung - cầu, các kiến thức thị trường và pháp luật cho các hội viên Hội Nông dân trên địa bàn thành phố. Trung tâm phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội xây dựng thành công bảy thương hiệu cho nông sản gồm rau hữu cơ Thanh Xuân, bưởi tôm vàng Đan Phượng, bánh tẻ Phú Nhi, mây tre đan Phú Nghĩa, kẹo lạc Phú Xuyên, chè Bắc Sơn và thuốc nam, bắc Ninh Hiệp. Liên kết với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp làng nghề thu mua, bao tiêu các sản phẩm của nông dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức tập huấn giúp hội viên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý vào sản xuất, kinh doanh, bảo đảm chất lượng nông sản. Thường xuyên cập nhật và kịp thời cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hàng hóa. Trung tâm đã chủ động phối hợp các doanh nghiệp tổ chức mười hội nghị xúc tiến thương mại để nông dân và doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm đối tác và tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, trung tâm vừa mở sàn giao dịch, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại số 33 phố Nguyễn Chí Thanh. Hiện tại, đã có 12 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm và hàng chục đặc sản vùng miền do nông dân sản xuất được giới thiệu và quảng bá.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội Tô Hải Long cho biết, mặc dù Hà Nội có nhiều nông sản đặc sản, nhưng nông dân vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm các nông sản chất lượng và phân phối sản phẩm. Người tiêu dùng có nhu cầu mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Vì thế, sàn giao dịch, giới thiệu sản phẩm sẽ trở thành cầu nối giữa nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Nguyễn Hồng Hải cho biết, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Trong thời gian tới, Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội tăng cường phối hợp các địa phương xây dựng chương trình hành động theo từng quý, tổ chức nhiều phiên giao dịch, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, góp phần giúp nông dân thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, nâng cao giá trị thương mại cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô.
Theo Nhân dân