Hỗ trợ phát triển nghề nuôi chim yến

Đây là nội dung mới được Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hội nghị quản lý và phát triển nuôi chim yến, với sự tham gia của đại diện 11 tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước về nuôi chim yến.

Tại Việt Nam, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại, là một hoạt động sản xuất đã xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam bộ. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển khá mạnh, với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Tính đến cuối năm 2016, đã có 41/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến với tổng số khoảng hơn 5.800 nhà yến, diện tích sàn nuôi hơn 1 triệu m2, tổng đàn chim yến phỏng đoán hơn 6 triệu con, sản lượng thu hoạch hơn 40 tấn/năm, tập trung nhiều nhất là tại vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung; một số nhà yến cũng đã xuất hiện tại bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng. 

Dù xuất hiện sớm nhưng nghề nuôi chim yến hiện còn nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Đây là một việc rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt công tác quy hoạch. Thực tế có đến trên 90% cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư, nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Điều này gây nhiều bức xúc đối với người dân xung quanh. 

Ngoài các bất cập liên quan đến vấn đề quy hoạch, tiếng ồn, hàng giả… ngành chim yến Việt Nam vẫn còn thiếu vai trò dẫn dắt ngành phát triển. Mặc dù đã có Hiệp hội Yến sào Việt Nam nhưng đơn vị này vẫn chưa thể hiện được vai trò tư vấn (kỹ thuật nuôi chim yến, thông tin về thị trường) và những vấn đề có liên quan đến nuôi chim yến. Ngành yến sào Việt Nam chưa có thương hiệu chung, vẫn chưa xuất khẩu chính ngạch dù thị trường khá tiềm năng. 

Trước những tồn tại trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thừa nhận quy định pháp lý hiện chưa theo kịp, chưa hỗ trợ hiệu quả cho ngành nuôi yến phát triển hiệu quả; nhiều kiến nghị chính đáng của người nuôi, doanh nghiệp yến sào chưa được giải quyết kịp thời. Một bất cập là yến sào hiện chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nên lợi nhuận mang lại còn thấp. Bộ và các đơn vị liên quan sẽ tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý về ngành hàng chim yến, để vừa quản lý tốt về môi trường, dịch bệnh và phát triển ngành nuôi chim yến một cách bền vững. Đồng thời, có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về mặt khoa học công nghệ và phát huy vai trò năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển ngành hàng. 

Thứ trưởng cho biết Bộ lần đầu tiên xây dựng Luật Chăn nuôi, nếu trong năm 2018 được Quốc hội thông qua, dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2019. Bộ đã đưa nội dung quản lý nuôi chim yến vào Dự thảo Luật, theo hướng đưa chim yến vào danh mục động vật hoang dã được phép gây nuôi, được quản lý theo quy định về gây nuôi động vật hoang dã hiện hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi yến. 

Liên quan đến việc yến sào Việt Nam chưa đạt các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, quản lý nuôi và thương hiệu quốc gia và truy xuất nguồn gốc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Cục Chăn nuôi phối với các doanh nghiệp yến xào tổ chức chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệp ở nước ngoài như: Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… 

Nguồn: nguoichannuoi.com