Hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn

Hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn
Ngày 5-12-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Thông tư số 46/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất được quy định tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Báo Quân đội nhân dân xin cung cấp một số nội dung quan trọng của Thông tư 46 đến bạn đọc.

 

Cán bộ đội liên ngành tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn bà con bản Cha Lan, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) kỹ thuật trồng rau xanh. Ảnh: Thành Lê

 

Tạo động lực để các xã nghèo phát triển

Trong những ngày cuối năm 2014, chúng tôi về xã Giao Thiện-một xã nằm trong tốp nghèo nhất huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Theo đồng chí Lương Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Giao Thiện thì cả xã có 1.129 hộ với gần 4.500 nhân khẩu nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 27% và hộ cận nghèo hơn 16%. Do đó, khi hay tin Bộ NN&PTNT ban hành thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, cán bộ và nhân dân ai cũng mừng. Đây là cơ hội, động lực để các hộ nghèo trong xã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo quy định tại Thông tư 46, đối tượng áp dụng được thụ hưởng chính sách là các hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, Thông tư 46 quy định các địa phương phải thành lập các nhóm hộ và bảo đảm các điều kiện sau: Được lựa chọn công khai, dân chủ từ thôn trên cơ sở tự nguyện, gồm những hộ nghèo, cận nghèo và các hộ khác có uy tín đang sinh sống trên cùng địa bàn, có kinh nghiệm trong sản xuất, có khả năng hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trong nhóm vươn lên thoát nghèo. Nhóm hộ có 1 trưởng nhóm do các hộ bầu ra để quản lý điều hành các hoạt động của nhóm (ưu tiên phụ nữ làm trưởng nhóm); có cam kết và quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ để thực hiện kế hoạch, dự án sản xuất đã được xác định và sử dụng, hiệu quả nguồn vốn, nhằm tăng cường thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên. Việc thành lập nhóm hộ do UBND xã quyết định; trong nhóm số lượng hộ không phải là hộ nghèo không quá 20% tổng số hộ của nhóm và phải có sự thống nhất của đa số hộ nghèo, cận nghèo. Nhóm hộ tự xây dựng nội quy hoạt động, được trưởng thôn đồng thuận và Chủ tịch UBND xã phê duyệt.

Việc quy định đối tượng, nhất là nhóm hộ tại Thông tư 46 theo anh Vi Văn Giáp, ở thôn Húng, xã Giao Thiện thì tạo lập nhóm hộ cùng sản xuất là cách làm rất thiết thực. Vì sản xuất tập thể vừa huy động và quản lý chặt chẽ được nguồn vốn, vừa tận dụng được sức lao động giữa các hộ và kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, từ đó tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân.

Về nguyên tắc hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất ở những xã đặc biệt khó khăn, Thông tư 46 quy định: Các dự án phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo; bảo đảm công khai, dân chủ, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án; các đối tượng tham gia dự án được hỗ trợ tùy theo nội dung của dự án. Mức hỗ trợ cho từng hộ và tỷ lệ hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ không nghèo trong nhóm hộ do UBND tỉnh quyết định.

Đối với hộ nghèo, cận nghèo và nhóm hộ, để nhận được hỗ trợ, hộ, nhóm hộ phải có điều kiện về đất đai, lao động và tư liệu sản xuất đáp ứng với nội dung của dự án; có cam kết thực hiện đúng các nội dung sản xuất đã đăng ký.

Nội dung hỗ trợ người dân khi tham gia dự án

Theo khảo sát của chúng tôi trên địa bàn một số xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn của các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Thanh Hóa… nhiều người dân đặc biệt quan tâm đến nội dung, phương thức hỗ trợ theo quy định của thông tư. Về vấn đề này, Thông tư 46 nêu rõ: Nội dung thực hiện hỗ trợ cụ thể là giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, có giá trị cao trên thị trường theo nguyện vọng của người dân và phù hợp với điều kiện của địa phương; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc-xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản; xây dựng mô hình phát triển sản xuất; hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ điều kiện cho người dân tham quan học tập nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả; mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý phát triển sản xuất, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư về dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ, kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và vận dụng vào kế hoạch sản xuất của hộ, nhóm hộ đã được xác định để phát triển sản xuất trên địa bàn xã.

Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng cây ăn quả. Ảnh: Thu Hằng

 

Thông tư 46 cũng nêu rõ: Vốn để thực hiện các nội dung trên phải được lồng ghép từ các nguồn: Chương trình 135, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn; vốn tự có, vốn huy động từ những nguồn khác để tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả.

Tuy nhiên, tùy theo mục đích, nội dung của dự án và điều kiện cụ thể của địa phương, người dân tham gia dự án được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế phải nằm trong danh mục giống được phép sản xuất và kinh doanh theo quy định của Bộ NN&PTNN; phù hợp với quy hoạch, đề án tái cơ cấu ngành và điều kiện của địa phương. Đối với phân bón, vật tư phải theo quy định mức kỹ thuật áp dụng cho từng giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc-xin tiêm phòng bệnh nguy hiểm theo quy định của thú y.

Thông tư 46/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNN có hiệu lực thi hành từ ngày 21-1-2015. Để thông tư đi vào cuộc sống, trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Văn Thắng, ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho rằng: "Việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, trang thiết bị vật tư, phân bón cho người dân cần được vận dụng một cách linh hoạt. Mặt khác, để việc hỗ trợ người dân đạt hiệu quả cao, rất cần năng lực của cán bộ các cấp trong việc đề xuất, lựa chọn các dự án. Nếu các dự án được xây dựng không phù hợp chất đất, khí hậu thì sự hỗ trợ sẽ không đem lại hiệu quả cho người dân.

Duy Thành
Theo qdnd.vn