Hỗ trợ tam nông giảm thiểu sức ép cạnh tranh
- Thứ bảy - 03/12/2016 10:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
P.V: Nông nghiệp Quảng Nam sẽ làm gì để “đối mặt” với các hiệp định thương mại tự do khi nền sản xuất vốn nhỏ lẻ, lại thiếu quy trình, thưa ông?
Cơ hội nhiều, nhưng thách thức đến từ chính ngành nông nghiệp cũng không ít, bởi hiện tại quy mô khá nhỏ lẻ, nên việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất rất khó, giá thành sản phẩm cao, độ đồng đều sản phẩm thấp, mức an toàn vệ sinh thực phẩm hạn chế và nhất là sản phẩm nông nghiệp không đủ để trở thành hàng hóa, chỉ bán lẻ nội địa.
Chính vì lường trước được điều này nên ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh một số cơ chế nhằm khuyến khích nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như Nghị quyết 179/2015/NQ–HĐND, quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, dự thảo quy định một số chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2016 - 2020. Sở cũng đã giao Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị trực thuộc lồng ghép tập huấn cho cán bộ nông nghiệp cơ sở và nông dân về các cơ hội, thách thức cạnh tranh khi hội nhập, nhất là thách thức cạnh tranh khi cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực từ tháng 1.2016.
Cơ khí hóa nông nghiệp. Ảnh: T.D |
Hiện sở đang hoàn tất việc nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy hoạch phát triển vùng chuyên trồng trọt, chăn nuôi tập trung để làm cơ sở kêu gọi đầu tư, tham mưu cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư phát triển các cụm sản xuất hoặc trang trại sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và lớn, tạo nền tảng vững chắc cho chương trình phát triển nông thôn mới Quảng Nam. Tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các cơ sở, vùng sản xuất an toàn dịch bệnh cho cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tham mưu các giải pháp thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19.12.2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và Nghị quyết số 179/2015/NQ-HĐND ngày 11.12.2015 của HĐND tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông nghiệp.
P.V: Ông hình dung nông nghiệp Quảng Nam sẽ như thế nào trước ngưỡng cửa hội nhập?
Có thể nói chăn nuôi là ngành chịu nhiều tác đông xấu nhất khi hội nhập, bởi sức cạnh tranh của ngành vẫn chưa thực sự tốt, giá thành và chất lượng các sản phẩm chăn nuôi hạn chế. Heo, bò, gà chính là 3 đối tượng sẽ phải đối mặt với “sóng lớn”. Nhiều chuyên gia phân tích điểm yếu của chăn nuôi do phương thức, quy mô nhỏ lẻ và liên tục đối mặt dịch bệnh, trong khi hệ thống giết mổ, bảo quản, trữ đông chưa đạt chuẩn…
Tuy nhiên, hiện nay một số trang trại lớn đã sẵn sàng đầu tư nhập khẩu thiết bị, quy trình chăn nuôi của các nước tiên tiến, từng bước giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, thu hút người tiêu dùng và sẽ xuất khẩu. Về con giống thì cũng không quá lo lắng vì hiện nay nhiều công ty nội địa hay nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam có thể cung cấp nhiều giống bò, heo, gà tốt với các yếu tố sinh trưởng, phát triển nhanh, năng suất cao, chất lượng thịt thơm, ngon…
Tập quán, phương thức sản xuất nông nghiệp Quảng Nam còn nhỏ lẻ, nên sẽ nguy cơ lớn khi hội nhập, nhưng nếu có giải pháp phù hợp và ý thức được điểm yếu của chính mình, bắt tay ngay vào việc cải tổ, mở rộng quy mô sản xuất thì không những sản phẩm nông nghiệp sẽ “sống sót” trước các FTA, mà còn có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường khu vực và thế giới
P.V: Cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ, tiếp sức như thế nào cho doanh nghiệp và nông dân tận dụng tối đa lợi ích từ hội nhập?
Hội nhập là xu thế tất yếu. Để tồn tại, phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh thì không còn con đường nào khác là phải nỗ lực hợp lực để hỗ trợ lẫn nhau. Nhà nước cần có kế hoạch phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật, đào tạo nghiệp vụ. Hỗ trợ thực hiện các chương trình vay vốn sản xuất. Tiến hành các chính sách, tổ chức sản xuất theo định hướng xây dựng các vùng nguyên liệu đặc thù. Có khả năng quy tụ, tích tụ ruộng đất theo quy mô lớn hơn, tạo vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đáp ứng chất lượng, sản lượng và tiến độ hợp đồng khi khách hàng yêu cầu. Ngoài ra, sẽ phải tạo điều kiện, hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu nông sản uy tín, đạt chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế, xúc tiến thương mại, tạo nhiều cơ hội gặp gỡ, ký kết các hợp đồng thương mại với các đối tác nước ngoài
Phía doanh nghiệp cần nắm bắt đầy đủ kiến thức, sự hiểu biết các hiệp định thương mại tự do, chủ động, nhanh chóng đổi mới để theo kịp hội nhập. Quan trọng là phải có chiến lược, xây dựng thương hiệu, kế hoạch hành động phù hợp với diễn biến thị trường. Xây dựng một hiệp hội của các doanh nghiệp nông nghiệp để thống nhất, cùng nhau bảo vệ quyền lợi, tôn trọng và không vi phạm các điều luật của FTA. Nhanh chóng phát triển các trang trại có quy mô lớn, ứng dụng quản lý hiện đại và các quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao hiệu suất sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm!
Còn nhà nông, vấn đề sống còn là phải nắm bắt thông tin về thị trường để quyết đoán trong sản xuất, kinh doanh. Họ phải dần từ bỏ thói quen làm ăn tự phát, chuyển sang chế độ hợp đồng, theo liên kết hiệp hội hoặc hợp tác xã kiểu mới, tôn trọng hợp đồng cả về số lượng, chất lượng sản phẩm và thời gian cung ứng. Quan trong bậc nhất là nông dân cần hiểu, ý thức hơn nữa về quyền, trách nhiệm trong việc thực thi các hợp đồng kinh tế. Tránh tình trạng khi giá nông sản cao thì trì hoãn, né tránh thực hiện, còn khi giá nông sản thấp lại hối thúc đối tác thanh lý hợp đồng…