Hỗ trợ thị trường cho cam Vinh

Hỗ trợ thị trường cho cam Vinh
Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cam Vinh chưa đi đôi với quản lý cũng như phát huy giá trị trên thị trường.

Đặc sản xứ Nghệ

Nhờ hội tụ đầy đủ các yếu tố về giống, thổ nhưỡng, khí hậu, quy trình chăm sóc… nên sản phẩm cam Vinh ở Nghệ An lâu nay được thị trường ưa chuộng. Thế nhưng, để đặc sản này thực sự đứng vững trên thị trường, trở thành cây trồng chủ lực trong ngành nông nghiệp của địa phương thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, tháo gỡ kịp thời.

Để cam Vinh phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của mình cần có cơ chế hỗ trợ

Từ những năm 80-90 của thế kỷ XX, sản phẩm cam Vinh được trồng tại huyện Nghi Lộc và các vùng Phủ Quỳ (huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp). Có thời điểm, sản phẩm này đã xuất khẩu hàng nghìn tấn sang các nước Đông Âu, Liên Xô cũ. Với đặc trưng quả tròn, hương vị thơm, ngọt thanh, mọng nước, màu vàng nhạt nên sản phẩm cam Vinh từ hàng chục đời nay được bầu chọn là một trong những loại quả mà người tiêu dùng ưa thích nhất. Một đặc điểm nữa là màu vàng của cam Vinh rất khác biệt với màu vàng chanh pha với màu xanh, khác hẳn với màu da cam của các loại cam bình thường khác.

Nhờ phương pháp nhân giống vô tính nên cam xã Đoài đến nay đã được trồng ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An. Chính vì thế nên với du khách thập phương, khi về với xứ Nghệ, nếu đã một lần được trực tiếp thưởng thức cam Vinh chính vụ sẽ nhận biết rõ hương vị khác biệt với các sản phẩm cùng loại.

Bắt đầu vào mùa vụ từ tháng 9 âm lịch trở đi, cam Vinh được đồng loạt thu hoạch trên các nông trại, vườn của hộ dân để đóng gói, đưa đi tiêu thụ. Với đặc trưng riêng nên giá cam Vinh bao giờ cũng cao hơn so với các địa phương cùng trồng loại sản phẩm này trên cả nước. Thời điểm áp Tết Nguyên đán hàng năm, sản phẩm cam xã Đoài xứ Nghệ luôn có giá bán gần 100 ngàn đồng/quả nhưng vẫn luôn cháy hàng. Với lợi thế này, người trồng cam Vinh thu nhập hàng tỷ đồng/vụ/năm, nhiều địa phương đã giàu lên nhờ loại sản phẩm đặc trưng này.

Cam Vinh lâu nay cũng được nhiều người công nhận là sản phẩm thuộc vào tốp đầu đặc sản xứ Nghệ và là loại cam nức tiếng trong cả nước… Chẳng những thế, cam Vinh đã đi vào thơ ca được lưu truyền từ hàng chục năm nay mà ai đi xa cũng nhớ về. “Cam xã Đoài mọng nước/Giọt vàng như mật ong/Bổ cam ngoài cửa trước/Hương bay vào nhà trong” trong bài “Mùa Cam” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Hay “Cam xã Đoài xứ Nghệ, càng chín lại càng thơm” trong ca khúc “Ai vô xứ Nghệ”, nhạc Phạm Tuyên phổ thơ Huy Cận…

Cần siết chặt cơ chế quản lý

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã công bố vùng chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh” bao gồm cam trồng tại 12 xã của 5 huyện ở Nghệ An với diện tích gần 2.000 ha theo Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Tỉnh Nghệ An cũng đã quy hoạch vùng cam đến năm 2020 là 8.270 ha.

Khoảng 10 năm trở lại đây, các cấp, ngành ở địa phương đã bắt đầu quan tâm đến việc đưa cam Vinh trở thành giống cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị các cơ quan chức năng và các UBND huyện cần vào cuộc tích cực với doanh nghiệp, HTX, người trồng cam để tiếp tục ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm cam Vinh. Bên cạnh, Nghệ An cũng đã điều chỉnh một số chính sách khuyến khích phát triển cây cam, cùng đó chấn chỉnh, kiện toàn hiệp hội sản xuất và kinh doanh cam trong thời gian qua.

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc “Cam Vinh” cũng đang được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Dự kiến từ ngày 25 đến 31/12/2017, Nghệ An cũng sẽ tổ chức Lễ hội cam Vinh nhằm khẳng định thương hiệu, xúc tiến hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ loại sản phẩm này.

Ông Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội Cam Vinh cho biết, trước kia khi chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý thì cam Vinh chỉ có giá rất thấp 5.000 - 7.000 đồng/kg. Sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý cùng với sự vào cuộc của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cam Vinh đã bắt đầu nâng tầm giá trị cũng như thương hiệu trên thị trường.

Điều này, giúp cho người trồng cam có thêm động lực để nhân rộng diện tích trồng, mạnh dạn đầu tư về chất lượng giống, chăm bón để sản phẩm của mình làm ra xứng tầm với thương hiệu.

Tuy nhiên, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cam Vinh chưa đi đôi với quản lý cũng như phát huy tốt giá trị hàng hóa, nắm cơ hội để khẳng định lợi ích và vị thế kinh tế của cam Vinh. Công tác đổi mới và tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị giữa sản xuất và tiêu dùng vẫn chưa được triển khai đồng bộ.

Một vấn đề nữa là nhiều người biết đến thương hiệu cam Vinh nhưng lâu nay họ vẫn không biết sự khác biệt của cam Vinh so với các giống, loài cam khác như thế nào và mua ở đâu, đầu mối nào, cơ sở để xác tín nguồn gốc chính thức?

Đặc biệt, thời gian qua vẫn còn thực trạng lợi dụng thương hiệu cam Vinh để bán các loại cam khác, nhiều thương lái bán cam giống khác và vùng khác, dưới danh nghĩa cam Vinh. Chính vì vậy, để đặc sản này thực sự có chỗ đứng trên thị trường, xứng tầm với tiềm năng thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ.

Trước mắt, để quản lý chất lượng cam Vinh thì các ngành chức năng cần đưa ra loại mẫu mã độc quyền để in dán tem, nhãn cho loại quả có múi này. Bên cạnh, Nghệ An cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tổ chức cho các hộ đăng ký và dán tem theo công nghệ truy xuất nguồn gốc sản xuất đến từng vườn bằng điện thoại di động để người tiêu dùng thuận tiện nhận biết.

Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thì công tác quy hoạch vùng trồng cam Vinh cũng phải được quản lý chặt chẽ, gắn trách nhiệm, lợi ích của hộ trồng cam với chính sản phẩm của mình trong khâu bảo hộ thương hiệu độc quyền đã được công nhận.