Hòa Bình: Khởi nghiệp từ 10 triệu đồng
- Thứ bảy - 06/04/2019 21:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gặp anh Tường vào một ngày cuối tuần, khi anh đang tất bật chăm sóc cho những cây ghép của mình. Vừa làm anh Tường cho biết: Cơ duyên đến với nghề nhân giống ghép dổi là từ sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp năm 2013 anh được tham gia vào dự án chọn tạo và nhân giống cây dổi ở xã Chí Đạo (huyện Lạc Sơn) do Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản, thuộc Hội KH-KT Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện. Tại đây anh đã học hỏi được rất nhiều từ các thầy cô, các anh chị và từ đó cũng hình thành ý tưởng muốn khởi nghiệp từ cây dổi bởi loại cây này có giá trị kinh tế cao mà diện tích trồng tại các địa phương chưa được nhiều.
Sau 1 năm tham gia dự án anh đã tích lũy cho mình nhiều kiến thức và bắt tay vào thực hiện ý tưởng trước đó của mình. Với số vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng để mua lưới che nắng, túi đóng bầu, giống cây, mắt ghép… Ban đầu anh thực hiện trên diện tích 200m2 vườn ươm. Sau một thời gian nhân và ghép giống dổi anh đã có nhiều khách hàng đến tham quan và mua cây giống. Từ tiền bán giống anh đã tiếp tục tái đầu tư để mở rộng nâng tổng diện tích lên 4.000m2. Nhờ nắm bắt tốt các kỹ thuật nên chất lượng cây giống ngày một đảm bảo.
Anh Tường cho biết: So với những cây trồng khác như bưởi, nhãn thì ghép dổi phức tạp hơn. Để có cây dổi ghép đạt chất lượng, anh phải lựa chọn hạt giống từ những cây cho năng suất cao để làm gốc ghép, đồng thời, chọn cành ghép cũng phải từ cây đầu dòng. Để ghép thành công đòi hỏi người ghép phải tỉ mỉ, quá trình chăm sóc cũng kỳ công hơn. Ưu điểm của cây dổi ghép là thời gian cho thu hoạch chỉ sau 4 năm trồng, trong khi đó dổi trồng bằng hạt mất 7 – 10 năm mới cho thu hoạch.
Mặc dù còn khá trẻ nhưng với tinh thần ham học hỏi, sự cần mẫn, anh Bùi Văn Tưởng đã thành công với mô hình vườn ươm cây dổi ghép. Bên cạnh dổi, các loại cây đặc sản ở địa phương cũng được anh nhân giống bằng phương pháp ghép cành như: trám đen, trám trắng. Từ đầu năm 2018 đến nay anh Tường đã cung cấp ra thị trường hàng vạn cây và đem lại thu nhập gần 400 triệu đồng.
Với anh Tưởng, niềm vui và hạnh phúc là khi những khách hàng tin tưởng cây giống do anh làm ra. Đến nay, ngoài khách hàng ở trong tỉnh, anh còn cung cấp giống cho nhiều bà con ở một số tỉnh phía Bắc.
Mô hình nhân ghép cây dổi và một số loại cây đặc sản của thanh niên 9x đang là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế tại địa phương. Bước đầu thành công với nguồn thu nhập khá cho gia đình, bản thân. Mô hình thanh niên khởi như anh Tường cần được nhân rộng và để các đoàn viên, thanh niên khác học tập./.
Đình Thủy - Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn