Hòa Bình: Trồng khoai sọ đặc sản cho thu nhập cao
- Thứ sáu - 27/03/2020 21:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình (trước khi sáp nhập tiền thân là xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), chúng tôi được ông Hà Văn Kền, cán bộ khuyến nông xã dẫn đi thăm một số nương khoai sọ. Ông Kền cho biết, thời vụ trồng giống khoai sọ địa phương này khoảng tháng 12 năm trước đến tháng giêng âm lịch năm sau, tốt nhất là giữa tiết lập Xuân; thu hoạch vào tháng 5- 6 dương lịch; năng suất đạt 70-80 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt trên 100 tạ/ha.
Với đặc tính cây khoai sọ rất ưa đất lạ, đất mới, hoặc ít nhất có hai vụ chưa trồng khoai, chịu được hạn, sống khỏe ngay trên đất nghèo dinh dưỡng, độ đốc cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và ít bị sâu bệnh. Do là giống khoai địa phương nên bà con nông dân canh tác theo lối truyền thống, chủ yếu là chuẩn bị tốt khâu làm đất và chọn giống. Đất được làm sạch cỏ, tơi xốp trước khi trồng khoảng hai tuần, sau đó đem khoai giống để trồng, không cần bón phân hóa học, nếu có phân chuồng ủ thì càng tốt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thỉnh thoảng làm sạch cỏ. Sau mỗi vụ, bà con tự chọn giống để trồng vụ tiếp theo. Do sử dụng giống khoai sọ địa phương, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên khoai sọ ở đây có mùi vị rất đặc trưng, thơm ngon, dẻo, tạo nên thương hiệu nổi tiểng của khoai Sơn Thủy (Phúc Sạn).
Cũng theo ông Kền, hiện nay nhu cầu tiêu thu khoai sọ trên thị trường là rất lớn, bà con thu hoạch đến đâu bán hết luôn đến đó. Tuy nhiên diện tích trồng tại xã mới chỉ xoay quanh gần 50 ha, do đặc thù quỹ đất của xã còn hạn hẹp, việc mở rộng diện tích là rất khó khăn, nên chủ yếu tập trung đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong tỉnh, các khu du lịch, khách du lịch, số ít ra thị trường ngoài tỉnh.
Ông Đinh Công Hanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Thủy cho biết, để mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ, phát triển sản phẩm khoai sọ đáp ứng nhu cầu thị trường, trước hết người dân cần phải thay đổi tập quán canh tác, cần có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tận dụng quỹ đất vốn đã hạn hẹp. Cần xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Khoai sọ Sơn Thủy (Phúc Sạn)” sẽ là yếu tố căn bản để xây dựng một thương hiệu mạnh cho sản phẩm, góp phần hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc Gia xây dựng nông thôn mới mỗi xã 1 sản phẩm (sản phẩm OCOP), giúp nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Hà Cao - Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/